Lấy chồng từ năm 18 tuổi, người phụ nữ đã nạo phá thai 13 lần chỉ sau 16 năm. Đến khi muốn có con, chị lại nhận được thông báo bị vô sinh từ bác sĩ.
Theo Dân trí đưa tin, chị H (34 tuổi, TPHCM) lập gia đình từ năm 18 tuổi. Lần đầu tiên phát hiện mang thai của chị là khi thai đã được 9 tuần tuổi, nhưng vì thấy kinh tế gia đình còn bấp bênh, không đủ điều kiện nuôi con nên chị đã quyết định phá thai.
Trong vòng 3 năm sau đó, chị H tiếp tục có thai 3 lần nhưng đều dùng đến phương pháp nạo hút phá thai vì vẫn chưa sẵn sàng để làm bố mẹ. Đến khi mang thai lần 4 ở tuổi 22, chị H mới quyết định giữ lại đứa bé trong bụng.
Đến năm 2021, tức 9 năm kể từ sinh con trai, chị H. đã mang thai thêm 9 lần. Nhưng tất cả các lần chị đều quyết định bỏ thai bằng các biện pháp như dùng thuốc hoặc nạo hút tại các cơ sở gần nhà. Đặc biệt trong số những lần đó, có một lần chị H. mang thai ngoài tử cung khá nguy hiểm.
Sau 16 năm kết hôn, chị H. đã nạo phá thai 13 lần. Ảnh minh họa
Chia sẻ với Dân trí, chị H. cho biết hai vợ chồng sống trong khu trọ nghèo, mỗi ngày đều phải đi làm tăng ca để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Dù có biết biện pháp đặt vòng tránh thai, nhưng chị H. cho biết vì chủ quan không áp dụng. Trong khi đó, chồng của chị có dùng bằng bao cao su nhưng không thường xuyên.
Cho đến hai năm trở lại đây, vì thấy con trai đã lớn và kinh tế gia đình cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực hơn nên vợ chồng chị H. quyết định sinh thêm con. Nhưng cuộc sống vốn không phải lúc nào cũng như ta dự tính. Khi đi khám, hai vợ chồng chị ngỡ ngàng khi nghe bác sĩ thông báo người vợ bị vô sinh thứ phát.
Theo đó, buồng tử cung của chị H. đã mỏng nên không thể mang thai tự nhiên, dự trữ buồng trứng cũng ngày càng suy giảm. Chị được bác sĩ khuyên nếu muốn có con thì nên thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm càng sớm càng tốt, trước khi buồng trứng cạn kiệt.
Chị H. nhận kết quả bị vô sinh khi muốn có con. Ảnh minh họa
Vào năm 2022, vợ chồng chị làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nhưng thất bại sau 2 lần chuyển phôi. Đến đầu năm 2023, chị H. và chồng tìm đến một trung tâm hỗ trợ sinh sản khác tại TPHCM để tìm cơ hội, mong muốn có con.
Bác sĩ Lê Xuân Nguyên, người trực tiếp khám cho chị H. chia sẻ với Dân trí: "Bệnh nhân nhiều lần bỏ thai bằng phương pháp nạo hút, đồng thời cũng được phát hiện từng bị viêm phần phụ và có hình ảnh ứ dịch tai vòi nên không thể có thai tự nhiên.
Vì có tiền căn phôi kém dẫn đến thất bại khi làm IVF lần đầu, bệnh nhân được xây dựng phác đồ kích thích buồng trứng, thu được 10 noãn trưởng thành. Từ đó, bệnh nhân tạo được 3 phôi chất lượng tốt.
Đầu tháng 3, chị H. đã được chuyển phôi sau khi chuẩn bị niêm mạc tử cung đầy đủ điều kiện để thai làm tổ. Đến nay, người phụ nữ đã mang thai".
Bác sĩ khám và tư vấn cho các bệnh nhân. Ảnh minh họa
Bác sĩ Nguyên cũng cho biết thêm, tình trạng vô sinh thứ phát thường xảy ra ở các cặp vợ chồng đã từng sinh con. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó có nạo phá thai, lạm dụng thuốc tránh thai khẩn cấp. Những phương pháp này sẽ làm thay đổi cấu trúc của tử cung và ống dẫn trứng, khiến người mẹ khó có thai.
Phụ nữ nạo phá thai ở độ tuổi càng sớm, số lần nạo thai nhiều và tuổi thai càng cao thì các biến chứng ở tử cung gây vô sinh (gồm cả nguyên phát và thứ phát) càng tăng.
Tỷ lệ vô sinh ở nhóm nữ giới nạo phá thai cao gấp 3-4 lần so với những nữ giới khác. Ảnh minh họa
Theo thống kê của Quỹ Dân số Liên hợp quốc 2022 (UNFPA), công bố đầu năm 2023, Việt Nam thuộc nhóm 20 quốc gia có tỷ lệ nạo phá thai vị thành niên cao nhất thế giới. Cũng theo tổ chức này, chỉ 20% phụ nữ chưa kết hôn sử dụng biện pháp tránh thai khi quan hệ tình dục, ở phụ nữ 15-19 tuổi là 4%.
Còn báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, giai đoạn 2019-2021, Việt Nam có khoảng 200.000 ca phá thai/năm. Trong đó, 30% là phụ nữ 15-19 tuổi với 70% là học sinh, sinh viên.