Cân bằng công việc và cuộc sống chính là mục tiêu mà nhiều người trẻ theo đuổi, nhưng nhiều người bận rộn quá mức, thậm chí gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Với những người trẻ, việc cống hiến sức lực, thời gian cho công việc là điều dường như trở nên bình thường. Đổi lại là những lợi ích về tài chính, giúp cho cuộc sống ổn định và phát triển hơn. Nhưng chăm chỉ làm việc đôi khi khác với lao đầu vào công việc, làm việc quá sức và siêu bận rộn không phải lúc nào cũng là cách hay.
Tan Wan Ting (33 tuổi) là nhà sáng lập của một công ty, người nỗ lực truyền tải thông điệp cân bằng khối lượng công việc, tránh làm việc quá sức đến cộng đồng.
Tan Wan Ting - người dành cả thanh xuân để làm việc và nhận ra bận rộn không thể giải quyết tất cả
Cô bắt đầu một công việc bán thời gian vào năm 14 tuổi cho thương hiệu bán lẻ quần áo. Khi học tại Đại học Công nghệ Nanyang, Ting làm phục vụ bàn trong một quán cà phê, cuối tuần dạy thêm toán và các môn khoa học cho học sinh trung học.
Đến năm 22 tuổi, sau khi tốt nghiệp Đại học, cô có công việc toàn thời gian đầu tiên tại một công ty tiếp thị kỹ thuật số. Ngoài công việc giờ hành chính, cuối tuần Ting làm thêm bán thời gian ở một quán bar để tăng thu nhập. Hầu như tất cả mọi ngày trong tuần đều dành cho công việc.
Ting nhớ lại thời điểm đó cô luôn mệt mỏi và phải kìm nén cảm xúc, cảm thấy bản thân như cái máy khi đến công ty lúc 8h30 sáng, làm việc cho đến tối muộn, thường xuyên bỏ bữa tối. Có những lần Ting vào nhà vệ sinh khóc nức nở. Mỗi buổi họp mặt gia đình, Ting luôn đem theo máy tính và làm việc.
Nhưng đó là chuyện của hơn 10 năm về trước khi với cô không có khái niệm về "cân bằng cuộc sống - công việc" và "nhận thức về sức khỏe tâm thần".
"Văn hóa hối hả" gần như đã ăn sâu trong thanh xuân của Ting , cô cảm thấy bản thân cần phải luôn làm việc để bắt kịp mọi người. Nhưng càng về sau, cô nhận ra thật có lỗi với bản thân khi không sống một cách "khôn ngoan" hơn. Làm việc chăm chỉ và dành thời gian cho những công việc hữu ích, cải thiện bản thân là điều khiến cô cảm thấy đúng với giá trị tư cách của một con người.
"Sau nhiều năm dài làm việc, ít ngủ và lúc nào cũng “quá bận rộn”, tôi kiệt sức và kiệt sức. Tôi nghỉ việc và nghỉ ngơi một thời gian để đi du lịch, tìm hiểu thêm về bản thân: Tôi dừng lại để suy nghĩ về việc thích làm gì, tôi là ai và muốn trở thành ai, cũng như cách tạo ra sự khác biệt tốt hơn trong cuộc sống của tôi và cuộc sống của những người xung quanh" - Ting chia sẻ.
Ting nghỉ việc, dành thời gian đi khắp nơi để khám phá thế giới và chính bản thân mình
Ting dành 3 tháng để đi du lịch qua các quốc gia như Việt Nam, Campuchia...học hỏi từ những gì trải nghiệm được. Cô nhận ra chậm lại không có nghĩa là trì trệ mà giúp bản thân có cái nhìn tốt hơn, rõ ràng hơn về cuộc sống và cách sử dụng thời gian.
Sau khi trở lại, Ting quyết định thành lập công ty riêng và đảm bảo rằng nhân viên không phải trải qua những gì mà cô đã trải qua trong quá khứ.
"Thay vì yêu cầu mọi người tăng ca làm việc quá sức, tôi ưu tiên cân bằng chiến lược khối lượng công việc của mỗi người và chia sẻ những thách thức và cơ hội một cách công bằng giữa các nhóm.
Trong các cuộc phỏng vấn tuyển dụng, tôi luôn hỏi những nhân viên tiềm năng xem họ muốn đạt được điều gì trong mục tiêu nghề nghiệp lâu dài của mình. Thay vì bị dẫn dắt bởi sự sợ hãi và đe dọa như tôi đã từng bị dẫn dắt, tôi cố gắng hết sức để hỗ trợ họ đạt được mục tiêu của mình.
Văn hóa công ty không còn là thứ bị áp đặt mà phải được cùng nhau tạo dựng và vun đắp như một tập thể" - Ting cho biết.
Ting kể , trong vòng 6 tháng, cô đi dự đám tang của 2 người bạn. Một người gần đây bị ốm phải nghỉ làm kéo dài. Điều này khiến cô suy ngẫm việc bỏ bê bản thân để lao vào công việc liệu có nhận được sự đền đáp xứng đáng?
Duy trì một môi trường làm việc cân bằng chính là điều mà người lãnh đạo như Ting hướng tới
Ngoài quản lý thời gian, Ting còn tìm hiểu về quản lý năng lượng, một khía cạnh quan trọng không kém. Ting nhận ra rằng không có "huy hiệu danh dự" nào cho "người bận rộn". Cô học cách thừa nhận giá trị của bản thân không được đo lường bằng công việc, nên việc lúc nào cũng bận rộn chưa chắc đã hiệu quả. Hơn hết là sự phù hợp với nguồn lực của từng cá nhân, trong những hoàn cảnh khác nhau.
Cùng với đó là dành thời gian cho những người thân trong gia đình, làm những điều bản thân yêu thích và thoải mái. Chỉ khi hoàn thiện bản thân, thì mới có thể truyền năng lượng đó đến những người xung quanh.