Dù sao thì, chúng ta vẫn sẽ áp lực thôi!

Dù sao thì, chúng ta vẫn sẽ áp lực thôi!

Thời gian đây, dạo quanh một vòng mạng xã hội, có thể dễ dàng bắt gặp nhiều người, đặc biệt là những người trẻ nhắc đến cụm từ “peer pressure” (áp lực đồng trang lứa). Vậy cuộc sống hiện đại có thực sự nhiều áp lực đến thế?

“Peer pressure” có thể hiểu là những áp lực khi so sánh bản thân mình với những người đồng trang lứa, khi nhìn thấy các bạn có thành tựu, ta tự mang thành tựu đó người khác lên vai mình và trở thành gánh nặng vì cảm thấy chưa đủ giỏi, chưa đủ tốt, chưa đủ tháo vác, chưa đủ các mối quan hệ xung quanh… Tóm lại là, ta không bao giờ thấy đủ. Vì sao vậy?

Dù sao thì, chúng ta vẫn sẽ áp lực thôi!

Bản thân tôi nếu phải tìm một lí do khách quan để lí giải vì sao cụm từ này được nhắc đến thường xuyên gần đây thì tôi nghĩ rằng đó là do tác động một phần của dịch Covid-19. Dịch bệnh khiến chúng ta phải dừng lại, xét về mặt vật lý và cả mặt phi vật lý, trong một số trường hợp, nó là cả hai.

Chung quy lại thì vẫn có một thực tế là, guồng quay vội vã của cuộc sống thường ngày có phần chậm lại một chút. Dường như sự vận động nhanh và mạnh của những ngày trước đây khiến chúng ta chẳng có đủ thời gian để quan sát. Còn ở thời điểm mà sự vận động bị đình trệ vì dịch bệnh vừa qua, ai cũng bắt đầu quan sát nhiều hơn. Nhưng tiếc là, phần lớn thời gian đó là để quan sát người khác nhiều hơn là nhìn vào chính bản thân.

Khi nhìn vào những mặt tốt đẹp trong cuộc sống của người khác, về những thành tựu hay tất cả những gì mà họ “trình bày”, ta thường lấy đó làm thước đo áp lên chính bản thân mình, và rồi thấy bản thân sao đầy khuyết điểm.

Khi quan sát người khác, ta thường quên rằng, nếu không phải là gia đình hay bạn bè thân thiết thật sự với họ, ta chỉ được thấy những gì mà họ muốn và cho phép chúng ta thấy - thường là những tốt nhất, đẹp nhất, hoàn hảo nhất.

Dù sao thì, chúng ta vẫn sẽ áp lực thôi! - ảnh 1

Khi đó, ngay cả một cô gái giỏi giang, đầy năng lượng và lạc quan như An Phương cũng phải loay hoay, cảm thấy sao mình chưa đủ giỏi cho đến khi học được cách công nhận chính bản thân mình. Từ một sinh viên du học ngành Truyền thông tại Singapore đến một beauty blogger sở hữu kênh Youtube có hơn 400.000 người theo dõi sau 7 năm làm công việc sáng tạo nội dung thì hiện tại, khi ngồi đây trò chuyện về việc tự công nhận bản thân thì An Phương đã có thể nói: “Hiện tại thì An Phương thấy mình giỏi vô cùng”.

Việc tự công nhận và tôn trọng chính mình giúp chúng ta có thêm sự tự tin để thể hiện mình nhiều hơn. Với An Phương, đó động lực thúc đẩy để cô gái 29 tuổi nói không với việc vạch ra bất kỳ giới hạn nào cho bản thân mình. An Phương đã là một nhà báo, một người làm sáng tạo nội dung ở mảng beauty và giờ là ở cả mảng fashion, lifestyle hay cũng có thể là một người làm công việc truyền cảm hứng.

An Phương cũng khẳng định, dù có hài hước, tích cực và năng lượng đến mức nào, thì phía sau ống kính của kênh Letsplaymakeup vẫn là một cô gái An Phương có cuộc sống riêng với nhiều lo toan, những va vấp khiến An Phương trưởng thành và sâu sắc hơn. Nhưng cô khẳng định mình chưa bao giờ cảm thấy cần phải cân bằng hay cố gắng thể hiện cho người khác thấy cả hai khía cạnh này. Định hướng ngay từ đầu của An Phương khi làm blogger là muốn truyền năng lượng tích cực cho mọi người. Thế nên với mọi người, Phương chỉ cần là một cô gái hài hước, thoải mái như từ trước đến nay là đủ.

Những thứ chúng ta thể hiện ra bên ngoài với màu sắc vốn có hay giá trị thật sự của bản thân là hai điều khác nhau. Việc học được cách tự quan sát và hiểu được bản thân sẽ giúp chúng ta không bị áp lực vì những phán xét của người khác về mình. Điều đó giúp An Phương tự tin dù mọi người nói gì về những thứ An Phương đang thể hiện thì chỉ cần nàng blogger của Letsplaymakeup hiểu rõ màu sắc vốn có của mình là gì và theo đuổi giá trị mình luôn hướng đến là được.

Dù sao thì, chúng ta vẫn sẽ áp lực thôi! - ảnh 2

Nghe có vẻ kỳ lạ nhưng tình trạng peer pressure giống như việc ta tự soi gương nhưng chỉ nhìn thấy người khác. Nhưng tôi muốn nói rằng bài viết này không phải được thực hiện để kêu gọi bạn “Đừng peer pressure nữa”. Thay vì nói “còn trẻ mà, chill đi, áp lực làm gì”, thì tôi muốn nói: “Tôi hiểu, vì tôi cũng trải qua peer pressure”.

Thú thật, ai có thể khẳng định mình ở độ tuổi 20 mà chưa từng một lần áp lực, hay chí ít là có một chút bồn chồn khi thấy bạn bè tốt nghiệp đúng hạn còn mình thì chưa, bạn vừa ra trường đã vào công ty nước ngoài lương tháng chục triệu còn mình thì chưa. 25 tuổi, nhìn bạn bè mang tiền, thậm chí nhà, xe…về cho mẹ, còn mình thì chưa. 30 tuổi, bạn lập gia đình, ổn định kinh tế, nhà đẹp xe sang, còn mình thì chưa?

Sự thật là ở thời điểm hiện tại, dù ở độ tuổi nào, chúng ta cũng đối diện với peer pressure. Có khi một đứa trẻ tiểu học còn khóc nhè vì sao mình được 9,5 điểm còn bạn thì được 10 điểm cơ mà. Thế nên thay vì tìm cách chối bỏ và tự nhủ lạc quan lên, đừng áp lực nữa, tôi muốn nói rằng hãy biến peer pressure thành động lực để tiến lên. Hay như An Phương, khi áp lực vì nhìn người khác, hãy dành thêm một chút thời gian để nhìn chính mình. Vì khi chính mình còn không công nhận bản thân mình thì ai sẽ công nhận chúng ta?

Dù sao thì, ở thời đại vội vã này, chúng ta cũng sẽ áp lực thôi. Chỉ mong bạn có thể đủ kiên nhẫn, đủ yêu thương chính mình để đừng bị peer pressure nhấn chìm và biến chúng thành động lực để trở nên hoàn thiện hơn mỗi ngày là đủ.