Có 4 trường hợp được bảo hiểm y tế chi trả tiền điều trị lên đến vài tỷ đồng, trong đó một bệnh nhi sinh năm 2018 ở Vĩnh Phúc được chi trả số tiền 4,1 tỷ.
Mới đây, ngày 21/4 Bảo hiểm xã hội Việt Nam thông tin về một số trường hợp quỹ bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả cho người bệnh số tiền lớn trong năm 2022 và quý I/2023. Theo đó, theo số liệu thống kê vào năm 2022, toàn quốc có 64 người bệnh được chi trả chi phí khám chữa bệnh trên 1 tỷ đồng. Quý 1/2023, có 99 người bệnh được nhận trên 500 triệu đồng (trong đó, có 8 người nhận trên 1 tỷ đồng).
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cho biết một trường hợp được chi trả cao từ năm 2022 đến hết quý 1/2023 như sau:
Cụ thể, Bệnh nhân được chi trả cao nhất 4,1 tỷ đồng sinh năm 2018, sống tại thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Trẻ được chẩn đoán mắc rối loạn khác của chuyển hóa carbohydrate. Trường hợp thứ 2 nhận trên 3,5 tỷ đồng sinh năm 2017, địa chỉ xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, bị rối loạn chuyển hóa tyrosine. Trường hợp thứ 3 nhận gần 3,5 tỷ đồng, sinh năm 2017, địa chỉ tổ 15, phường Đề Thám, TP Thái Bình, tỉnh Thái Bình, bị rối loạn chuyển hóa glycogen type 2 (bệnh Pompe). Trường hợp thứ 4 nhận gần 3,1 tỷ đồng sinh năm 2018, địa chỉ thôn Bình An, xã Tiền Phong, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, bị bệnh tích lũy glycogen.
Hiện nay, danh mục thuốc được quỹ BHYT thanh toán gồm hơn 1.000 hoạt chất, sinh phẩm tân dược và hàng trăm thuốc Đông y, thuốc từ dược liệu. Trong đó, có nhiều thuốc điều trị ung thư, bệnh hiếm, máu không đông, thuốc tim mạch đa dạng, sử dụng dài ngày, có thuốc dùng suốt đời cho quá trình điều trị bệnh.
Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam cũng nói thêm, ngoài các chi phí về thuốc, người tham gia BHYT còn được chi trả phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế. Trong đó có các phẫu thuật, thủ thuật cao, tốn kém như phẫu thuật bằng robot, thay khớp, thay đĩa đệm cột sống, đặt máy tạo nhịp tim. Một số loại vật tư y tế được thanh toán có giá trị lên đến hàng trăm triệu đồng. Hiện nay, quỹ BHYT chi trả tiền điều trị cho tất cả các bệnh hiểm nghèo, phải điều trị dài ngày hoặc suốt đời như nhóm bệnh về tim mạch, ung thư, bệnh hiếm…
Ảnh: Tổng hợp