Cảm thấy khát nước và mệt mỏi, nghĩ là do nắng nóng, nhưng khi khám bác sĩ mới phát hiện ra mình mắc bệnh tiểu đường.
Dẫn tin từ VnExpress, anh P.H.D.(38 tuổi,TP.HCM) uống 5 lít nước mỗi ngày vẫn khát liên tục. Anh nghĩ thời tiết đang vào mùa nắng nóng nên có hiện tượng trên, thế nhưng chỉ đến khi mệt, đuối sức phải cấp cứu mới phát hiện mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả xét nghiệm cho thấy, đường huyết lúc nhập viện của anh P.H.D. cao gấp 4 lần (bình thường dưới 140mg/dl), ceton trong máu tăng 20 lần (bình thường 0,03-0,3 mmol/L). Anh D. chia sẻ, thấy thời tiết đang vào mùa nắng nóng, kèm theo cơ địa cao to nên anh nghĩ uống nước nhiều là nhu cầu bình thường. Tuy nhiên, trong 5 tuần, anh sụt 14kg (từ 100kg xuống còn 86kg), đến khi vợ anh thấy gương mặt anh tái nhợt, ủ rũ, ngủ nhiều hơn ngày thường nên đưa tới khoa Cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền - khoa Nội tiết - Đái tháo đường, cho biết anh P.H.D. bị tiểu đường type 2, nếu điều trị chậm trễ có nguy cơ biến chứng do nhiễm toan ceton tiểu đường (tích tụ nhiều chất chuyển hóa dạng ceton có tính axit trong máu) như thở nhanh nông, nhịp tim nhanh, tụt huyết áp, lơ mơ, hôn mê.
Bác sĩ Tuyền giải thích thêm, thông thường, cơ thể sẽ tái hấp thu glucose khi đi qua thận. Tuy nhiên, khi lượng đường trong máu tăng cao, thận có thể không làm tốt công đoạn này, có thể sẽ có đường trong nước tiểu. Kết quả, người bị tiểu đường sẽ đi tiểu thường xuyên hơn, kéo theo biểu hiện khát nước liên tục. Một vòng luẩn quẩn sẽ diễn ra: uống nhiều hơn và đi tiểu nhiều hơn. Đây được xem là một trong những dấu hiệu rõ ràng của tiểu đường.
Nếu như trước đây, tiểu đường (đái tháo đường) là bệnh thường gặp ở người cao tuổi, thì trong những năm gần đây, tỷ lệ người mắc đái tháo đường đang tăng một cách chóng mặt và ngày càng trẻ hóa. Rất nhiều người ở độ tuổi 25-30, thậm chí là tuổi vị thành niên đã mắc đái tháo đường mà không hay biết.
Dấu hiệu phát hiện bệnh tiểu đường
Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền cho biết một trong những dấu hiệu nhận biết đặc trưng của bệnh tiểu đường, gồm: sụt cân nhiều, tiểu nhiều, khát nước nhiều. Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của bệnh tiểu đường những triệu chứng này có thể không rõ ràng nên người bệnh ít chủ động đi khám sớm. Phần lớn người bệnh thường phát hiện tiểu đường khi đã có biến chứng: biến chứng mạch máu và thần kinh gây một loạt tổn thương đến nhiều cơ quan như mắt (mờ mắt, tăng nhãn áp, cườm mắt…), suy thận, tê bì hoặc mất cảm giác bàn chân, nhiễm nấm, nhiễm trùng, nhiễm toan ceton (một biến chứng cấp tính đe dọa tính mạng nếu điều trị chậm trễ)…
Bệnh tiểu đường hiện nay đang có xu hướng trẻ hóa và có những diễn biến khó lường. Hiểu được những triệu chứng này có thể giúp phát hiện sớm và kiểm soát tình trạng. Để đảm bảo, mọi người cần khám sức khỏe, tầm soát bệnh tiểu đường thường xuyên, ít nhất một lần mỗi năm nhằm phát hiện và điều trị sớm.