Nhiều người thắc mắc về sự khác biệt giữa tỏi màu trắng và tỏi màu tím? Đồng thời nguyên tắc chọn loại tỏi nào là tốt nhất cho sức khỏe gia đình.
Từ lâu, tỏi đã trở thành một trong những loại gia vị không thể thiếu trong mỗi bữa ăn của các gia đình Việt. Không chỉ giúp điều chỉnh hương vị món ăn mà tỏi còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu, trong 100 gram tỏi có chứa 6,36 gram protein, 33 gram carbohydrate, 150 calo và các dưỡng chất như vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6), sắt, canxi, kali, mangan, magie, photpho... Ngoài ra, tỏi còn chứa hàm lượng cao selen.

Với nhiều gia đình Việt Nam, tỏi được coi là một loại thuốc tự nhiên, có khả năng trị cảm lạnh, tiêu chảy và hỗ trợ điều trị chứng khó tiêu. Ngoài ra, sử dụng tỏi thường xuyên trong các bữa ăn còn giúp thành viên trong gia đình tăng sức đề kháng để chống lại những bệnh như ho, sốt, cảm...
Tuy nhiên, ít ai biết rằng tỏi cũng chưa thành nhiều loại, điển hình và phổ biến nhất đối với người dân là tỏi màu trắng và tỏi màu tím. Ngoài việc khác nhau về màu sắc bên ngoài, hai loại tỏi này cũng có nhiều đặc điểm mà người dân lần lưu ý.
Sự khác biệt giữa tỏi màu trắng và tỏi màu tím, nên mua tỏi màu gì mới tốt?
Trên thị trường hiện nay có rất nhiều loại tỏi với sự đa dạng về màu sắc, kích thước và hàm lượng tinh dầu. Điều này khiến nhiều bà nội trợ hoang mang khi chọn mua tỏi sao cho đảm bảo được độ thơm ngon, giàu dinh dưỡng và tươi mới.

Trên thị trường, tỏi màu trắng là loại tỏi được bán phổ biến nhất và cũng được người dân ưa chuộng nhất. Tuy nhiên, theo trang tin Sohu, tỏi ngon nhất là loại có pha chút màu tím hoặc tím sậm trên thân củ. Nguyên nhân là do loại tỏi này chứa hàm lượng allicin cao hơn, có hương vị đậm đà hơn và giàu dinh dưỡng hơn. Khi sử dụng làm gia vị trong nấu ăn, tỏi màu tím cũng giúp món ăn thơm ngon và hấp dẫn hơn so với tỏi trắng.
Lưu ý "mẹo" để chọn mua tỏi ngon
Ngoài việc căn cứ theo màu sắc bên ngoài của tỏi, nhiều người còn có các "mẹo" liên quan đến việc nhận dạng tỏi ngon và giàu chất dinh dưỡng.
1. Kiểm tra phần đầu của củ tỏi
Hãy xem xét phần đầu củ tỏi, nơi bị cắt khi thu hoạch tỏi tươi. Quan sát các lỗ hở ở đó, mọi người có thể xác định được độ chín của tỏi. Nếu tỏi còn nhiều lớp vỏ, điều này cho thấy tỏi còn non, vỏ còn dày và mùi vị sẽ kém thơm. Tỏi ngon có lớp vỏ mỏng, chứng tỏ tỏi đã đạt đủ độ chín, có giá trị dinh dưỡng cao nhất và mùi thơm đậm đà nhất.

2. Kiểm tra phần rễ của củ tỏi
Một điều ít người chú ý là những củ tỏi còn giữ lại nhiều rễ hơn thì sẽ dễ bảo quản hơn trong quá trình sử dụng so với những củ tỏi đã cắt rễ sát gốc. Nguyên nhân do việc giữ lại một phần rễ sau khi thu hoạch giúp duy trì độ ẩm cho tỏi, giữ cho chất lượng của tỏi tốt hơn và ngăn dưỡng chất bị mất đi. Nếu rễ tỏi bị cắt bỏ, nước trong củ sẽ bay hơi nhanh chóng, khiến tỏi khó bảo quản, dễ bị teo và trở nên mềm.

3. Dùng tay kiểm tra củ tỏi
Cách tốt nhất để nhận biết tỏi có ngon và giàu dinh dưỡng hay không là chạm tay vào củ tỏi. Khi bóp nhẹ củ tỏi, nếu củ tỏi còn tươi thì sẽ có độ cứng. Ngược lại, nếu củ tỏi mềm và bị móp thì chứng tỏ đã bị cũ. Những củ tỏi được bán trong thời gian dài không chỉ mềm, bị móp mà còn mất đi nước và chất dinh dưỡng, thậm chí là có mùi vị rất lạ, bên trong bắt đầu bị thối.
4. Quan sát từ bên ngoài
Đây cũng là cách phổ biến để nhận biết củ tỏi có còn tươi và ngon hay không chính là xem củ tỏi có còn nguyên vẹn hay không. Nếu củ tỏi còn nguyên vẹn thì phần vỏ ngoài sẽ hoàn chỉnh, không có vết nứt hay bất kỳ dấu vết hỏng mốc nào. Ngoài ra, lớp vỏ ngoài củ tỏi còn nguyên vẹn sẽ giúp bảo quản chất dinh dưỡng của củ tỏi bên trong tốt hơn.

5. Kiểm tra mầm tỏi
Đây là một trong những cách quan trọng nhất để nhận biết tỏi có mọc mầm hay chưa. Nếu tỏi đã mọc mầm, mặc dù vẫn có thể chế biến được nhưng lúc này, củ tỏi đã bị khô do nhường chất dinh dưỡng để nuôi mầm tỏi, mùi vị cũng không còn ngon như lúc ban đầu.