"Text Neck" là căn bệnh phổ biến với đời sống sử dụng các thiết bị công nghệ thông minh hiện nay. Thiết bị thông minh góp phần giúp cuộc sống tiện lợi hơn, nhưng cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe.
Xã hội ngày càng phát triển, các thiết bị công nghệ điện tử có mặt ở hầu hết mọi nơi. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh con người "dán mắt" vào các thiết bị thông minh như smartphone, laptop, máy tính bảng,... Tuy nhiên, nếu bạn có thói quen dùng điện thoại hoặc nhắn tin nhiều giờ, hãy cẩn thận bởi bạn sẽ ít nhiều phải trải qua cảm giác đau đớn do sai tư thế. Tình trạng này dường như vô cùng phổ biến từ đó đã khai sinh thêm một căn bệnh thời hiện đại: bệnh thoái hóa vùng cổ mà các bác sĩ Anh gọi là "Text Neck".
Hội chứng "Text Neck" là gì?
“Text Neck” là thuật ngữ mới ra đời cách đây vài năm, chỉ triệu chứng đau cổ và tổn thương cổ kéo dài do người sử dụng liên tục cúi đầu nhìn xuống màn hình điện thoại di động, máy tính bảng và các thiết bị điện tử khác… quá thường xuyên và quá lâu. Đặc biệt, đối với trẻ em "ghiện" điện thoại có thể sẽ gây liệt xương sống vùng cổ và nhiều vấn đề sức khỏe khác
Tất nhiên, tư thế uốn cong và nhìn xuống để đọc không phải là thói quen chỉ hình thành gần đây. Chúng ta đều sẽ phải nhìn xuống để đọc, tuy nhiên các tính năng giải trí hấp dẫn trên các thiết bị điện tử đã làm cho chúng ta có xu hướng sử dụng nhiều hơn từ đó cổ luôn bị uốn cong và đau nhức.
Khi chúng ta cúi xuống để xem điện thoại quá lâu lúc này sẽ có một áp lực đè lên cổ tương đương với việc bạn vác một đứa trẻ trên vai trong 2 - 4 giờ. Bác sĩ Lea Gluszak, chuyên gia về xương khớp, giải thích: "Đầu con người nặng trung bình từ 4,5 kg đến 5,5 kg. Cổ và vai chúng ta không thích hợp để chịu đựng sức nặng đó trong một thời gian dài."
2. Triệu chứng của hội chứng "Text Neck" và cách khắc phục
Có rất nhiều dấu hiệu nhận biết chúng ta đang mắc triệu chứng của "Text Neck". Dễ nhận biết nhất là khi tình trạng đau nhói và mỏi vai gáy xảy ra trong thời gian dài. Ngoài ra, hội chứng "Text Neck" còn có những biểu hiện khác như: nhức đầu, cảm giác đau mỏi ở lưng trên, ngứa ran hoặc tê ở tay, viêm gân chóp xoay,...
Tùy theo các biểu hiện chúng ta sẽ dễ dàng chuẩn đoán được mức độ nghiêm trọng, tuy nhiên việc sử dụng các thiết bị điện tử càng nhiều các triệu chứng cũng càng nặng và rõ ràng hơn.
Để phòng bệnh, người dùng phải giảm tổng thời gian xài các thiết bị điện tử trong một ngày và tăng khoảng cách giữa những lần sử dụng (khoảng 15-30 phút cần phải thay đổi tư thế, nghỉ giải lao và vận động để giảm sức căng). Nên tập những bài thể dục chuyên biệt cho bàn tay. Khi có biểu hiện nhức hay tê mỏi, phải đi khám để phát hiện, can thiệp kịp thời nhằm tránh di chứng.
Ngoài ra, các tư thế khi sử dụng cũng vô cùng quan trọng. Nên giữ đúng tư thế khi sử dụng các thiết bị điện tử bằng cách để ngang với tầm nhìn của mắt đảm bảo không cúi xuống và giữ cho cột sống luôn thẳng. Tránh giữ các thiết bị lớn hoặc nặng bằng một tay liên tục trong thời gian kéo dài.
Ảnh: Tổng hợp