Khi đặt quả vải dưới kính hiển vi, người ta phát hiện có vài thứ cử động bên trong thịt quả. Thực hư thế nào và liệu con người có thể ăn được "thứ" ấy?
Quả vải là một loại trái cây vô cùng nổi tiếng ở Việt Nam. Vải thường có vào giữa năm và trở thành loại quả xuất khẩu với giá trị rất cao. Thịt quả vải có vị ngọt thanh, mọng nước, mềm mại nên rất được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên nhiều người cho rằng quả vải nóng, hạn chế ăn nhiều để tránh làm ảnh hưởng sức khỏe.
Mới đây, một đoạn video thí nghiệm đặt quả vải soi dưới kính hiển vi để nhìn rõ hơn cấu trúc của phần thịt quả gây xôn xao mạng xã hội. Dưới sự phóng đại 100 lần, người ta quan sát được phần thịt quả vải trắng muốt, trong vắt và không có bụi bẩn hay vi khuẩn đeo bám.
Tuy nhiên, khi phóng đại thịt quả vải 400 lần, người ta bất ngờ phát hiện một vật thể lạ cử động trong đó. Từ hình dạng, nhiều người cho rằng vật lạ này chính là con giòi đang ngọ nguậy bên trong thịt quả vải. Không ít người bày tỏ sự hoang mang, lo lắng, nhất là với những "tín đồ" mê ăn quả vải.
Thực chất, việc trái cây tồn tại nhiều nguy cơ giòi bọ sinh sống không phải chuyện hiếm gặp. Không riêng gì quả vải, những loại quả khác như ổi, mãng cầu, mận... cũng thường phát hiện có vật thể lạ cử động trong đó.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Cán bộ Viện Công nghệ Sinh học - Công nghệ Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, việc trái cây xuất hiện giòi bọ khá phổ biến vì đây là "vùng đất màu mỡ" cho những loại ký sinh ấy sinh sản và phát triển.
Giòi bọ bắt nguồn từ ấu trùng của các loài côn trùng, chúng đẻ trứng vào quả chín thông qua một lỗ cực kỳ nhỏ mà chúng ta không nhìn thấy bằng mắt thường. Sau đó, trứng sẽ chui vào thịt quả, nở ra thành giòi có màu trắng ngà, không chân, bò lúc nhúc.
Tuy nhiên, đừng quá sợ hãi với hiện tượng này vì thực chất quả vải có giòi bọ nhưng không gây độc. Nếu ăn nhầm cũng không gây hại cho sức khỏe. Trong trường hợp nếu muốn loại bỏ ấu trùng trong quả vải thì nên rửa sạch bằng nước muối, chúng sẽ tự chui ra ngoài. Ngoài ra, khi chọn mua vải phải lựa quả còn mới, căng bóng, tránh chọn những quả héo úa, dập nát hoặc bắt đầu thối .
Người ăn vải phải chú ý đến những thời điểm có thể ăn và không thể ăn. Khi đang đói bụng, tuyệt đối không thể ăn vải. Một cậu bé người Trung Quốc từng nhập viện cấp cứu vì ăn 20 quả vải khi bụng đang đói. Nguyên nhân được bác sĩ lý giải là do quả vải có thể khiến người ta say và ngất, dễ gây tình trạng hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn. Những người nóng trong cơ thể hoặc nổi nhọt cũng không nên ăn vải vì dễ khiến bệnh tình thêm trầm trọng. Người phụ nữ trong thời kỳ "đèn đỏ", mắc bệnh tích đờm trong cổ họng, bệnh thủy đậu, rôm sảy... cũng không được ăn vải.
Ảnh: Tổng hợp