Trường hợp bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn tử vong chỉ sau 3 giờ vào viện, diễn biến quá nhanh khiến bác sĩ cũng phải bất ngờ.
Theo Vietnamnet đưa tin vào ngày 28/8, Bác sĩ Nguyễn Tiến Thành, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết bệnh nhân là nam giới (50 tuổi) được đưa vào viện hôm 24/8 do mệt vào sốt cao. Được biết, bệnh nhân có tiền sử mắc bệnh gout nhiều năm.
Khi được đưa đến viện bằng xe cứu thương, người đàn ông đã trong tình trạng khó thở dữ dội, được thở oxy kính. Nồng độ bão hòa oxy trong máu (SpO2) giảm còn 88% (bình thường là trên 95%), mạch 180 lần/phút (bình thường 60-90 lần), nhịp thở 50 lần/phút (bình thường là 16-20 lần), nổi vân tím toàn thân, ý thức kích thích vật vã.
Sau khi xét nghiệm nhanh khí máu động mạch cho thấy có tình trạng nhiễm toan chuyển hóa nặng , bác sĩ chẩn đoán ban đầu ông bị sốc nhiễm khuẩn, theo dõi nhiễm khuẩn huyết. Người bệnh nhanh chóng được truyền dịch, cấy máu, kháng sinh sớm, đặt ống nội khí quản, lấy máu và làm các xét nghiệm thăm dò.
Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vừa tiếp nhận 1 ca bệnh có diễn biến nhanh và nặng
Tiên lượng ca bệnh rất nặng, các bác sĩ đã giải thích với gia đình về tình trạng cụ thể. Chỉ sau 2 giờ vào viện, bệnh nhân ngừng tim. Sau 1 giờ cấp cứu nhưng không tái lập, người bệnh tử vong.
Theo bác sĩ Thành, cơ sở này đã tiếp nhận nhiều trường hợp sốc nhiễm trùng, nhiễm độc nhưng diễn biến nặng và tử vong đột ngột như trường hợp này đã khiến các bác sĩ cũng phải bất ngờ.
Hai ngày sau, xét nghiệm cấy máu của bệnh nhân cho kết quả dương tính với vi khuẩn liên cầu lợn Streptococus suis. "Với xét nghiệm này, chúng tôi đã có lý giải cho bệnh cảnh lâm sàng mà người bệnh gặp phải", bác sĩ Thành chia sẻ.
Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn
Theo các bác sĩ, nguyên nhân khiến người bệnh nhiễm liên cầu khuẩn lợn chủ yếu do tiếp xúc trực tiếp với lợn bị bệnh, mang vi khuẩn gây bệnh, các chất tiết của lợn bị bệnh hoặc ăn các sản phẩm chế biến từ thịt lợn bị bệnh chưa được nấu chín như tiết canh, thịt sống, thịt tái, nem. Trong đó, những đối tượng dễ bị mắc bệnh thường là những người chăn nuôi, giết mổ lợn, chế biến thịt lợn sống, có thói quen ăn tiết canh, thịt lợn sống, tái, nấu kỹ, nem thịt tái.
Nhiều món ăn sống từ thịt lợn có thể làm tăng nguy cơ bị bệnh cho cơ thể
Để nhận biết khi bản thân hoặc xung quanh có người nhiễm liên cầu lợn, bạn cần chú ý các biểu hiện chính như: sốt cao, có cơn những cơn rét run; nôn và buồn nôn, rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy; đau đầu dữ dội.
Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nặng, nguy kịch, bệnh nhân sẽ xuất hiện các triệu chứng:
- - Các rối loạn tâm thần kinh (lơ mơ, lú lẫn, hôn mê, co giật, tổn thương các dây thần kinh trung ương như điếc, mắt mờ)
- - Rối loạn tuần hoàn (da niêm mạc tái, mạch nhanh, tụt huyết áp, viêm cơ tim, sốc nhiễm khuẩn)
- - Rối loạn hô hấp (khó thở, viêm phổi, suy hô hấp)
- - Suy chức năng gan, thận, xuất huyết dưới da toàn thân dưới dạng mảng bầm tím; xuất huyết niêm mạc (chảy máu cam, chân răng, âm đạo); xuất huyết nội tạng (nôn ra máu, phân đen, tiểu ra máu, xuất huyết não…) và nhiều rối loạn khác.
Khi phát hiện bản thân hoặc mọi người xung quanh có một trong những triệu chứng trên, đặc biệt là ở những người có tiếp xúc thường xuyên với lợn hoặc ăn tiết canh, thịt lợn thì cần khẩn trương đưa người bệnh đến các cơ sở y tế.