Đối với nhiều người, giấc ngủ trưa vô cùng quan trọng. Thế nhưng, giữa việc chỉ chợp mắt vài phút hay “đánh” một giấc vài tiếng, đâu mới là cách ngủ trưa đúng đắn?
Một cuộc khảo sát về giấc ngủ trưa được SleepFoundation.org nghiên cứu cho biết, đa số người trưởng thành ở Mỹ trung bình sẽ ngủ trưa khoảng 1 giờ đồng hồ. Nhưng theo nhận định của tiến sĩ, nhà tâm lý học lâm sàng chuyên về y học hành vi giấc ngủ - Shelly Harris, khoảng thời gian đó là quá lâu cho một giấc ngủ trưa đúng cách.
Tiến sĩ Shelly Harris trả lời với CNBC Make It rằng: “Khi bạn ngủ trưa trong một giờ đồng hồ hoặc hơn, thỉnh thoảng sẽ thấy cơ thể uể oải và mệt mỏi khi thức dậy, lý do là vì thời điểm đó bạn đang chìm vào giai đoạn ngủ sâu”.
Ngủ trưa bao lâu là hợp lý?
Cũng theo tiến sĩ Harris chia sẻ, một giấc ngủ ngắn vừa đủ cho cơ thể thường từ 20 đến 30 phút. Đó là khoảng thời gian lý tưởng nhất để khi thức dậy bạn sẽ luôn tỉnh táo, tràn trề năng lượng.
Để giấc ngủ được trọn vẹn và đúng nhất, các chuyên gia cho biết rằng bạn nên đặt báo thức trong 30 phút trước khi ngủ. Khi đó, bạn sẽ có từ 5 đến 10 phút đi vào giấc ngủ và 20 phút để cơ thể nghỉ ngơi.
Một lưu ý quan trọng để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ vào buổi tối là bạn nên ngủ trưa trước 2 giờ chiều. Nghiên cứu của Healthline chỉ ra, thời gian ngủ ngắn dành cho trẻ em được khuyến nghị như sau:
Trẻ từ 0 đến 6 tháng: Ban ngày từ 2 đến 3 giấc ngủ ngắn, mỗi giấc kéo dài trong khoảng 30 phút đến 2 giờ.
Trẻ từ 6 đến 12 tháng: Một ngày 2 giấc ngủ ngắn, môiz giấc từ 20 phút đến một vài giờ.
Trẻ từ 1 đến 3 tuổi: Một giấc ngủ ngắn kéo dài khoảng từ 1 đến 3 giờ.
Trẻ 3 đến 5 tuổi: Một giấc trong khoảng 1 đến 2 giờ.
Trẻ 5 đến 12 tuổi: Nếu trẻ đã ngủ đủ 10 đến 11 giờ vào ban đêm thì không cần ngủ trưa.
Đối với người trưởng thành, khỏe mạnh có thể không cần một giấc ngủ ngắn, nhưng theo khuyến nghị nếu cần một giấc ngủ trưa thì tốt nhất hãy kéo dài trong khoảng 20 đến 30 phút. Những người thiếu ngủ có thể ngủ từ 90 đến 120 phút.
Ngủ trưa mang lại nhiều lợi ích
Một giấc ngủ ngắn sẽ có những lợi ích như cải thiện tâm trạng, bổ sung năng lượng và tăng mức tập trung, năng suất trong mọi hoạt động.
Các chuyên gia khuyên rằng khi gặp tình trạng mất ngủ, bạn nên ngủ trưa trên ghế dài, hoặc những bề mặt thoải mái khác thay vì ngủ trên giường. Việc ngủ trưa trên giường sẽ ảnh hưởng đến giấc ngủ của bạn vào ban đêm.
Nếu ngủ trưa quá nhiều, cơ thể bạn sẽ phản ứng ra sao?
Nếu bạn ngủ quá nhiều hoặc quá ít cho một giấc ngủ trưa, chắc chắn cơ thể bạn sẽ tiềm ẩn những vấn đề gây hại cho sức khỏe.
Đặc biệt khi ngủ quá nhiều, cơ thể sẽ gặp tình trạng mệt mỏi và uể oải lúc thức dậy. Điều này làm tăng nguy cơ mắc những bệnh nguy hiểm như tiểu đường, tim mạch, thừa cân… Trong khi đó, ngủ quá ít sẽ khiến cơ thể luôn trong cảm giác khó chịu, ngáp liên tục và ảnh hưởng đến các hoạt động cá nhân, học tập, công việc.