Thông tin "Mủ măng cụt xanh kỵ đường mía, nếu kết hợp có thể gây ngộ độc" bất ngờ xuất hiện khiến bao người hoang mang. Tuy nhiên theo các chuyên gia, lời đồn này hoàn toàn không có căn cứ.
Trên mạng xã hội mới đây đã xôn xao thông tin nhựa măng cụt nếu kết hợp với đường mía có thể tạo ra chất độc. Vì thế, món gỏi măng cụt được liệt vào danh sách nguy hiểm vì có sự hòa trộn giữa măng cụt sống và đường.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam, Hội Đông y Hà Nội) cho biết phần nhựa của măng cụt quả thực không có lợi cho sức khỏe. Lương y cho biết: “Phần nhựa của quả măng cụt cũng giống như các loại quả khác đều không có lợi cho sức khỏe. Bởi bản chất nó là thứ giúp cho trái cây chống lại côn trùng và các vấn đề sâu hại khác…”
Nhựa măng cụt và phần lớn loại trái cây có thể gây hại cho hệ tiêu hóa, gây táo bón, đau bao tử, đau dạ dày. Tuy nhiên nó còn phụ thuộc vào việc chúng ta ăn ít hay nhiều.
Vị chuyên gia này cũng cho biết chưa có ghi chép nào nói rằng nhựa quả măng cụt sẽ tạo ra chất độc nếu kết hợp với đường mía. Thậm chí ở nhiều nước, họ còn điều chế quả măng cụt làm thức uống. Thế nên thông tin ăn gỏi măng cụt trúng độc là hoàn toàn không có cơ sở.
Dù vậy, khi chế biến món gỏi măng cụt, chúng ta vẫn phải lưu ý 1 điều. Đó là phải gọt thật sạch vỏ. Vỏ măng cụt non rất khó tách, song cần xử lý sạch để tránh việc ăn trúng nhiều nhựa trái cây.
Dù là măng cụt xanh hay chín thì cũng đều không nên ăn nhiều. Bởi lẽ loại trái cây này có thành phần đường khá cao. Thế nên người béo phì, tiểu đường không nên dùng quá nhiều loại trái cây này. Bên cạnh đó, măng cụt cũng có hàm lượng kali khá cao, những bệnh nhân mắc bệnh thận và tim mạch cũng phải cẩn trọng khi dùng.