Mỗi loại sữa bột đều có thời hạn sử dụng, nếu không chú ý sử dụng sữa bị hỏng có thể trở thành nguyên nhân gây ra các triệu chứng ngộ độc nghiêm trọng.
Sữa là một loại thực phẩm được nhiều người ưa thích sử dụng trong đời sống hằng ngày. Trên thị trường hiện nay, nhằm phục vụ nhu cầu của khách hàng nên có rất nhiều loại sữa để bồi bổ theo từng cơ chế khác nhau. Tiêu biểu nhất là các loại sữa hỗ trợ sự phát triển cho trẻ, sữa dành cho thai phụ, sữa dành cho người cao tuổi... Ngoài ra còn có một số loại sữa hỗ trợ các chức năng đặc thù của cơ thể như sữa chống loãng xương, sữa tăng chiều cao, sữa tăng cân...
Việc uống sữa là điều tốt và giúp ích nhiều cho cơ thể. Tuy nhiên, người dân cần lưu ý đến chất lượng của sữa để tránh bị ngộ độc sữa. Mới đây, bác sĩ chuyên khoa 2 Nguyễn Minh Tiến - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố (TP.HCM) chia sẻ trên báo Thanh Niên về 2 nguyên nhân chính thường thấy nhất gây ngộ độc sữa.
Đầu tiên, nguyên nhân dẫn đến ngộ độc sữa mà nhiều người gặp phải chính là sữa bị nhiễm khuẩn. Chỉ cần bao bì, hộp đóng gói, nắp hộp sữa... bị rách, thủng, hở hoặc rò rỉ, hay sữa quá hạn sử dụng, bảo quản trong môi trường không phù hợp cũng khiến chất lượng sữa giảm sút. Trong những trường hợp này, sữa dễ bị nhiễm khuẩn tụ cầu, salmonella, E.coli, nhiễm nấm... Những thứ này đều là các tác nhân gây nguy hiểm cho sức khỏe con người.
Ngoài ra, nguyên nhân thứ 2 dẫn đến việc ngộ độc sữa cho người sử dụng chính là sữa có sẵn độc tố. Điều này đồng nghĩa với việc chất lượng sữa chưa vượt qua vòng kiểm định an toàn của cơ quan chuyên môn, sữa có nguồn gốc không rõ ràng hoặc các loại sữa chứa thành phần bị cấm lưu thông trên thị trường. Thông thường, sữa được pha chế với hàm lượng các chất khác nhau. Trong trường hợp sữa có độc tố có thể do thành phần pha chế quá cao, vượt ngưỡng an toàn hoặc nguyên liệu để lâu gây biến chất, hình thành chất độc có sẵn trong sữa khi mới mua về.
Dấu hiệu nhận biết người bị ngộ độc sữa là xuất hiện các triệu chứng đau bụng, nôn ói, tiêu chảy... Nếu bị ngộ độc nặng hơn, người bị ngộ độc rơi vào hôn mê, co giật, suy hô hấp cấp.
Nếu phát hiện người nghi ngộ độc sữa, các bác sĩ khuyên nên lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế chuyên môn hoặc bệnh viện gần nhất để các chuyên gia cấp cứu. Trong thời gian đó, cần bổ sung nước, oresol để bù nước, bù khoáng cho bệnh nhân có tình trạng nôn mửa, tiêu chảy.
Để hạn chế tình trạng ngộ độc sữa, người dân nên lựa chọn mua sữa hộp có dung tích vừa phải từ 450 g và sử dụng trong khoảng 1-2 tuần. Với sữa hộp loại 900 g có thể sử dụng từ 2-4 tuần. Sữa sau khi mở nắp hộp chỉ nên sử dụng tối đa trong khoảng thời gian 4 tuần, sau 4 tuần không nên dùng nữa vì rất có thể sữa đã bị biến chất.
Thông thường, sữa bị quá hạn hoặc giảm chất lượng xuất hiện dấu hiệu đổi màu hoặc vón cục hoặc đổi màu và vón cục. Khi mua sữa hộp, người dân nên quan sát kỹ hạn sử dụng của sữa, ngoài ra bên ngoài hộp sữa có nguyên vẹn hay không, tránh mua những hộp sữa bị móp méo, phồng rộp, hoen gỉ hoặc có vết lồi lõm. Trong quá trình bảo quản, sữa nên đặt ở nơi thoáng mát, trắng để trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, không đặt các hộp sữa xếp chồng lên nhau.