Chứng bệnh trầm cảm khiến nữ diva Coco Lee qua đời ở tuổi 48. Trên thực tế có khá nhiều người cũng mắc phải và không thể vượt qua được và lựa chọn cách cực đoan để kết thúc cuộc đời.
Thông tin nữ ca sĩ nổi tiếng Coco Lee qua đời tại nhà riêng làm chấn động làng giải trí châu Á. Người thân của nữ diva quá cố cho biết cô qua đời do bị trầm cảm. Sau thời gian chống chọi với căn bệnh quái ác, Coco Lee lựa chọn tự kết thúc cuộc đời vào ngày 2/7. Dù đã được gia đình phát hiện và đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Coco Lee ra đi không chỉ khiến người hâm mộ bàng hoàng mà nhiều nghệ sĩ khắp châu Á cũng bày tỏ niềm thương xót khi một giọng ca đỉnh cao từ giã cõi đời. Và thêm một lần nữa, căn bệnh trầm cảm cướp đi mạng sống của những người mắc phải khiến ai nấy đều cảm thấy hoang mang.
Ca sĩ Coco Lee qua đời tại nhà riêng sau thời gian bị trầm cảm
Trầm cảm không phải là căn bệnh mới và Coco Lee không là nghệ sĩ đầu tiên ra đi vì không thể vượt qua nổi. WHO ước tính vào năm 2019, cứ 8 người có 1 người mắc chứng rồi loạn tâm thần, lo âu và trầm cảm. Đại dịch Covid-19 càng làm trầm trọng hơn những vấn đề về sức khỏe tâm thần của nhiều người.
Trầm cảm là một chứng bệnh loạn rối tâm trạng, gây cảm giác buồn bã, trống rỗng và mất niềm hứng thú với cuộc sống. Trong trường hợp nghiêm trọng, người mắc bệnh trầm cảm có thể tự tử. Trầm cảm là nguồn cơn gây ra gần 40.000 vụ tự tử ở Mỹ mỗi năm, hay như tại Hàn Quốc có nhiều vụ nghệ sĩ tự tử vì mắc trầm cảm do những áp lực trong công việc lẫn cuộc sống.
Theo một số liệu được công bố vào năm 2021 của Viện Sức khỏe tâm thần - Bệnh viện Bạch Mai, 30% dân số Việt Nam có rối loạn tâm thần, trong đó tỉ lệ trầm cảm chiếm 25%.
Căn bệnh này có thể phổ biến ở cả người lớn, thanh thiếu niên lẫn trẻ em. Bệnh trầm cảm thường kéo dài, chia thành nhiều giai đoạn đồng thời có nhiều hình thức khác nhau.
Nhiều người có xu hướng lựa chọn tiêu cực khi mắc bệnh trầm cảm lâu dài
Những nguyên nhân gây ra bệnh trầm cảm có thể kể đến như: di truyền, thay đổi về thần kinh não, môi trường sống, chịu đựng sang chấn tâm lý, xã hội, bệnh lý rối loạn lưỡng cực...
Theo nghiên cứu từ Trung tâm kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), tỷ lệ trầm cảm ở nữ giới cao gấp 2 lần so với nam giới.
Hiện tại chưa có phương cách cụ thể để chữa khỏi bệnh trầm cảm nhưng có một số phương pháp để điều trị phục hồi. Người mắc trầm cảm nên tìm đến chuyên gia tâm lý để trò chuyện, hoặc tìm sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp...nếu cảm thấy an toàn và phù hợp.
Phụ nữ là đối tượng dễ mắc trầm cảm hơn nam giới
Khi mắc trầm cảm cần tập trung điều hòa cảm xúc, có thể điều trị bằng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.
Ảnh: Tổng hợp