Mận Hà Nội vốn là loại trái cây yêu thích của nhiều người nhưng không phải ai cũng biết rõ mận là mát hay nóng đối với cơ thể.
Hiện tại là thời điểm đang chuẩn bị bước vào mùa mận. Loại quả mận có hình dáng tròn, màu đỏ sẫm khi chín, vị chua ngọt nhẹ và thanh vốn là loại trái cây yêu thích của nhiều người và còn được biết đến với cái tên mận Hà Nội bởi thông thường có thể trồng và bán nhiều nhất ở khu vực này.
Loại quả có màu sắc bắt mắt, vị ngon, dù ăn trực tiếp, trộn với muối đường, làm mứt hay làm nước giải khát đều ngon thế nên được rất nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu thuộc tính thật sự của loại quả này, nhất là rất nhiều người thắc mắc, ăn mận nhiều sẽ làm mát hay tăng nhiệt cho cơ thể.
Được biết loại mận này còn có tên là lí tử, lí thực,... Đây là loại cây cành ngắn có màu nâu đỏ hồng, lá nhọn hai đầu, mặt trên nhẵn , mặt dưới hơi có lông ở gân . Hoa màu trắng, cánh hoa hình trứng, ngược, nhân hạch nhẵn. Mùa ra hoa mận thường bắt đầu từ tháng 12 - 1 và sẽ cho quả chín vào khoảng tháng 5 - 7.
Quả mận có vị chua ngọt, tính bình, có công dụng thanh can điều nhiệt, sinh tân lợi thủy, thường được dùng để chữa các chứng bệnh như hư lao cốt chưng, âm hư nội nhiệt, thủy thũng, tiêu khát... Theo y học cổ truyền, các bộ phận của cây mận như: quả, rễ, vỏ rễ, nhựa, lá, nhân hạt... đều có tác dụng chữa bệnh. Rễ mận thường được thu hoạch vào tháng 9 - 10, vị đắng, tính lạnh, có công dụng thanh nhiệt giải độc. Lá mận vị chua, tính bình, chuyên trị vết thương do sang chấn... Nhân hạt mận còn gọi là lí hạch nhân, vị ngọt đắng, tính bình, có công dụng tán ứ, lợi thủy, nhuận tràng.
Như vậy, mận thực chất sẽ giúp cơ thể làm mát, thanh nhiệt và nghiêng về tính hàn nhiều hơn. Vậy nên loại quả này càng thích hợp để ăn vào mùa hè. Tuy nhiên có một nhóm người đặc biệt cần lưu ý khi ăn mận đó là người tỳ vị yếu, thận hư, di tinh, phụ nữ có thai và người đang bị tiêu chảy cũng không nên dùng.
Ảnh: tổng hợp