Trong mỗi dịp Tết, mâm ngũ quả miền Nam được xem là một phần không thể thiếu, bởi nó ẩn chứa rất nhiều ý nghĩa sâu sắc trong cuộc sống mà ít ai biết tới.
Mâm ngũ quả miền Nam gồm những gì?
Với mỗi vùng miền khác nhau, văn hóa bày mâm ngũ quả cũng có những nét khác nhau, mang đậm chất riêng của từng vùng. Đặc biệt, mâm ngũ quả miền Nam rất được ưa chuộng, bởi nó đem lại ý nghĩa may mắn, ấm no và hạnh phúc trong dịp chào Xuân đón Tết. Dưới đây là những loại quả không thể thiếu khi bày mâm ngũ quả miền Nam:
Mãng cầu gai - mãng cầu Xiêm
Đây là một trong những loại quả đầu tiên được người dân chọn để chưng trên mâm ngũ quả miền Nam dịp Tết. Nó mang ý nghĩa cầu chúc cho những điều tốt lành, thịnh vượng, bình yêu và đặc biệt là sức khỏe. Lớp da xanh nở căng của quả mãng cầu được ví von như hình ảnh sung túc, đủ đầy của gia chủ trong năm mới, thu hút thêm nhiều tài lộc để con đường làm ăn luôn rộng mở.
Quả dừa
Theo cách gọi thông thường của người miền Nam, từ “vừa” hay được phát âm sai thành “dừa” nên từ đó quả dừa cũng trở thành biểu tượng không thể thiếu trong mâm ngũ quả. Chưng dừa như lời cầu mong một cuộc sống vừa vặn, sung túc, đủ đầy, không rơi vào cảnh túng thiếu để năm mới của gia chủ thật viên mãn, mọi chuyện trọn vẹn như ý muốn.
Đu đủ
Đúng với cái tên của loại quả này, đu đủ thể hiện ước muốn đón một năm mới đủ đầy, không thiếu thốn. Không chỉ riêng tiền của, vật chất, đủ đầy ở đây còn là hy vọng đủ về mặt tinh thần, cho cuộc sống thêm phần ấm áp, vui vẻ.
Quả xoài
Người miền Nam đọc trại từ “xoài” thành “xài”, thế nên loại quả này chất chứa những mong mỏi của người dân về chuyện được tiêu xài đầy đủ. Thậm chí, loại quả này còn mang đến ước mơ về một cuộc sống dư giả, cao sang, không phải đau đầu lo nghĩ khi tiêu xài bất cứ điều gì.
Quả sung
Giống với quả đu đủ, tên gọi quả sung đã toát ra được sự mong cầu về một tương lai sung túc ngay thềm đầu năm mới. Đặc biệt, những quả sung tròn trịa, đẹp đẽ mọc khít chặt vào nhau còn thể hiện cho tinh thần gắn kết, đùm bọc và ấm no giữa các thành viên trong một gia đình.
Ý nghĩa của mâm ngũ quả miền Nam?
Thông thường, ở khu vực miền Bắc, người dân vẫn chọn con số lẻ để chưng mâm ngũ quả thì người miền Nam lại không quá quan trọng về con số. Ngược lại, người miền Nam quan tâm nhiều hơn là ý nghĩa từng loại quả mang lại.
Theo quan điểm của người miền Nam từ xưa, mâm ngũ quả ngày Tết phải thể hiện đủ 5 yếu tố ngũ hành là Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ. Nhờ vậy, nó chất chứa ý nghĩa cao đẹp, thể hiện tấm lòng hiếu thảo của con cháu đối với ông bà, gia tiên. Đồng thời, việc lựa chọn kỹ càng để chưng mâm ngũ quả miền Nam còn là để mong cho những điều tốt lành, hạnh phúc sẽ xảy đến với gia chủ.
Bên cạnh những loại quả kể trên, mâm ngũ quả miền Nam còn có thể chưng thêm một số loại quả như:
+ Bưởi: Mong muốn cuộc sống tròn đầy, an khang
+ Phật thủ: Hình ảnh bàn tay phật để che chở cho cả gia đình bình an
+ Lựu: Có nhiều hạt bên trong, giống như việc con cháu quây quần đông đúc
+ Thanh long: Rồng mây hội tụ, phát tài phát lộc
+ Dưa hấu: Vừa căng tròn, vừa mát lành, như một thông điệp ngọt ngào gửi đến đầu năm mới
Cách bày mâm ngũ quả miền Nam
Do tính cách đơn giản, phóng khoáng của người dân nơi đây nên việc bày trí mâm ngũ quả cũng khá đơn giản, nhưng vẫn thể hiện rõ sự hài hòa, cân đối. Nhiều người sẽ lựa chọn những loại quả nặng, to và có màu xanh đặt phía dưới. Sau đó xếp dần lên từng loại quả nhẹ, nhỏ và dần chín phía trên để trông như một ngọn tháp. Riêng với cặp dưa hấu, chúng ta không bày chung vào mâm ngũ quả mà đặt chúng sang ngay phía hai bên.
Đâu là điểm khác biệt giữa mâm ngũ quả miền Nam so với các miền khác?
Từ lâu, người dân Nam Bộ đã thể hiện sự kỹ tính, cầu kỳ của mình trong việc lựa chọn những loại quả chưng trên mâm ngũ quả miền Nam. Theo câu "Cầu sung vừa đủ xài", mâm ngũ quả thường sẽ có: Mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung kèm thêm 3 trái thơm (dứa) tạo thành cái chân đế với ý nghĩa vững vàng, chắc chắn. Đặc biệt, nhắc đến mâm ngũ quả miền Nam, ta không thể nào thiếu được một cặp dưa hấu vỏ xanh ruột đỏ.
So với miền Bắc, người dân thường dùng nải chuối xanh xuất hiện trên mâm ngũ quả thì ngược lại, người miền Nam kiêng kỵ xài loại quả này. Mâm ngũ quả miền Nam chắc chắn sẽ không bao giờ có chuối. Bởi khi ta đọc trại loại quả này có thể liên tưởng đến từ “chúi”, thể hiện sự đi xuống, nguy khó, mờ mịt tương lai.
Ngoài ra, quả cam và quả lê cũng ít được góp mặt trong mâm ngũ quả miền Nam ngày Tết vì những câu như “quýt làm cam chịu” hay nằm trong từ “lê lết” mang nghĩa nặng nề, chậm chạp, không lành lặn, thụt lùi về sau…
*Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.