Hôm nay (19.6 âm lịch) là ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo. Từ bi hỷ xả là 4 hành trang mà ngài đi vào đời độ sinh. Vậy từ bi hỷ xả là gì?
Ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo là ngày tưởng nhớ vị bồ tát gần gũi với chúng sinh, nhắc nhở phật tử sống lương thiện, không oán thù, luôn bao dung để bản thân tốt đẹp hơn mỗi ngày.
Hằng năm, phật tử khắp nơi trên thế giới thường làm lễ vía bồ tát Quán Thế Âm trong các ngày âm lịch 19.2, 19.6 và 19.9. Trong đó: Ngày 19.2 là ngày vía Quán Thế Âm đản sanh, ngày 19.6 ngày là vía Quán Thế Âm thành đạo và ngày 19.9 là ngày vía Quán Thế Âm xuất gia.
Từ bi hỷ xả là gì?
Những phật tử, người mến mộ đạo Phật thường cầu nguyện: "Nam mô đại từ bi đại hỷ xả Quán Âm Như Lai, quán tâm bình đẳng nguyện" khi thực hành thiền quán về tâm bình đẳng và lòng từ bi hỷ xả của Quán Thế Âm Bồ Tát.
Ngày 19.6 âm lịch là ngày vía Bồ tát Quán Thế Âm thành đạo
ẢNH: NHẬT THỊNH
Thượng tọa Thích Trí Chơn, Phó trưởng ban Văn hóa Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng ban Văn hóa Phật giáo TP.HCM, viện chủ tu viện Khánh An cho biết, từ là thương người, giúp đỡ người, thực hiện việc thiện sự mà không mong cầu một điều gì. Từ là không làm tổn hại bất cứ một ai, dù là trong tâm thức, nói năng hay hành động.
Bi là động lòng trắc ẩn, đồng cảm với nỗi khổ của ai đó, là không sân giận với bất cứ ai. Theo thượng tọa, trong cuộc sống có những người lúc nào cũng gắt gỏng, bực bội, không hài lòng với những thứ đang diễn ra, mà luôn mong muốn mọi thứ phải theo ý mình. Nếu việc gì không như bản thân mong muốn lại thấy phiền. Như vậy là chưa đủ bi.
Hỷ là luôn bày tỏ niềm hoan hỷ, ngưỡng mộ, kính trọng với người xung quanh. Khi ai đạt được điều gì, mình phải hoan hỷ, chúc mừng và kính trọng thay vì chúc mừng nhưng lợn cợn trong lòng. Đức Phật đã dạy, nếu mình làm việc thiện, khuyến khích người khác làm thiện hay thấy người khác làm thiện mình hoan hỷ là có công đức. Ngược lại, nếu mình làm việc ác hay thấy người khác làm việc ác mà mình hoan hỷ là gây lỗi lầm.
"Tâm tùy hỷ công đức rất quan trọng trong cuộc sống này, đừng bực bội, ganh ghét trước sự thành công, uy tín, trước thành quả người đạt được. Mỗi người hãy cố gắng thực tập tâm hoan hỷ", thượng tọa Thích Trí Chơn chia sẻ.
Thực hành từ bi hỷ xả để cuộc sống trở nên an lạc, hạnh phúc hơn
ẢNH: DIỆU MI
Xả là không chấp thụ, không nắm bắt, buông xả, sống không định kiến, không câu chấp. Hãy nhìn cuộc đời bằng tất cả sự bình đẳng của tâm. Nếu có xả, mỗi người sẽ được sống với tâm bình đẳng không phân biệt. Thực hành lời dạy của Đức Phật, chất từ bi hỷ xả nằm ngay trong tâm mỗi người, chúng ta cần thương quý người mình biết và cả người không biết. Thực hành được cả từ bi hỷ xả như vậy thì mỗi người sẽ là một đóa hoa thơm, góp phần xây dựng gia đình, xã hội trở nên tốt đẹp hơn.
Từ bỏ tâm sân giận theo lời dạy Bồ tát Quán Thế Âm
Cũng theo thượng tọa Thích Trí Chơn, hòa bình, an lạc theo tinh thần của Đức Phật được thiết lập ngay trong tâm hồn của mỗi người. Khi mỗi người có an lạc, hạnh phúc thì xã hội sẽ bình an.
Trong đạo Phật có một vị bồ tát lớn có tình thương, sự hiểu biết cúi nhìn chúng sinh để phổ độ, giáo hóa đó là Bồ tát Quán Thế Âm. Trong đó, Quán là lắng nghe, quán chiếu nhìn thấu, nghe sâu. Thế âm là âm thanh của thế gian, âm thanh của nỗi buồn khổ, vất vả, lo toan. Khi gặp khó khăn, khổ đau người ta hay quỳ dưới chân bồ tát đem hết lòng thành hướng về ngài.
Nếu thiếu tỉnh giác, sân giận có thể làm bản thân đánh mất những điều mà chúng ta đang có
ẢNH: DIỆU MI
Hình ảnh Bồ tát Quán Thế Âm quen thuộc với hình ảnh một tay cầm chiếc bình và một tay cầm nhành dương liễu. Đây là bình nước thanh tịnh thuần khiết, trong sạch cùng nhành dương liễu rũ xuống thế gian, rưới mát vào tâm hồn của mỗi người.
Vị thượng tọa phân thích: "Trong tâm của chúng ta có những hạt giống của bình an, hạnh phúc, trí tuệ và bao dung nhưng mà những hạt giống xấu như tham sân vẫn trỗi dậy làm khô cằn tình thương, nóng nảy chất phiền… Do vậy, nhành dương liễu trên tay Bồ tát Quán Thế Âm rưới xuống để làm dịu sân giận, tâm hồn tươi mát hơn".
Một người có tâm hồn khô cằn dễ có những hành động không dễ thương, nói ra những lời nói có thể gây tổn thương người khác. Thượng tọa Thích Trí Chơn lưu ý, sân giận bắt đầu từ những điều rất nhỏ trong cuộc sống, đó là từ những điều ham muốn, thỏa thích, nắm giữ, cố chấp, bám víu cho bằng được hay đơn giản chỉ là những điều phiền lòng làm chúng ta gắt gỏng mà sinh sân giận.
Nếu thiếu tỉnh giác, sân giận có thể làm bản thân đánh mất những điều mà chúng ta đang có. Do đó, ai cũng mong được Bồ tát Quán Thế Âm rưới cành dương liễu với giọt nước cam lồ để dập tắt sân giận, thực tập từ bi hỷ xả cho cuộc sống tốt đẹp hơn.