Quả bần của cây bần chủ yếu sống ở những vùng nước ẩm ven sông. Loại quả này có nhiều công dụng trong nấu ăn nhưng ít ai biết nó có đến 7 cách gọi.
Quả bần là một loại quả chỉ có trên cây bần , thường mọc ở những vùng nước ẩm ven sông. Từ lâu, cây bần đã có nhiều công dụng trong đời sống người dân. Không chỉ có tán cây xanh rộng lớn có thể che mát cả một vùng, rễ của cây bần còn có công dụng ngăn ngừa sự xói mòn của đất ven sông. Chính vì vậy nhiều nhà sống gần sông, người ta thường trồng cây bần như một cách để bảo vệ khu vực sống.
Loại quả của cây bần có tên khoa học là Sonneratia caseolaris, thuộc họ Sonneratiaceae, từng được tìm thấy nhiều ở các bãi bùn thuỷ triều nhiệt đới, trải dài từ châu Phi đến Indonesia. Đặc điểm của quả bần là có vỏ ngoài màu xanh sáng, trái hình tròn dạng hơi dẹp và có vị chua. Đuôi quả bần nhọn và phần cuống chỉa ra như hình cánh sao. Khi chín, quả bần toả ra mùi hương thơm nhẹ và vỏ ngoài chuyển sang màu xanh vàng.
Quả bần có thể ăn sống, chấm muối ớt hoặc chấm mắm mặn. Ngày nay, quả bần thường được dùng để nấu canh chua hoặc trộn gỏi vì hương vị thơm ngon, kích thích vị giác của thực khách.
Mặc dù là loại quả thông dụng và không hiếm gặp tại Việt Nam nhưng ít ai biết rằng quả bần có ít nhất 7 cách gọi khác nhau tuỳ thuộc theo vùng miền. Theo một chia sẻ trên mạng xã hội, một người dùng cho biết, quả bần ở quê của người này thường được gọi là quả lậu. Tuy nhiên, ở một số vùng khác thì gọi bằng nhiều tên khác nhau như quả rốc, quả tiêu, quả phình choé , quả mác, quả nhể ốc, quả tớ mình...
Chủ tài khoản nói thêm, cách gọi trái bần chủ yếu là người miền Tây Nam bộ truyền tai nhau. Trong khi đó người miền Bắc sẽ gọi là quả bần . Người dân sống ở Hải Phòng gọi là quả lậu, riêng Thái Bình gọi loại quả này là con rốc . Nhưng dù được gọi bằng danh từ gì thì cũng chỉ chung một loại quả quen thuộc trong đời sống của người dân.
Ngày nay, cây bần xuất hiện trải dài ở vùng ven sông Bạch Đằng, qua Nha Trang đến TP.HCM, Cần Thơ cũng như các tỉnh miền Tây sông nước khác. Cây bần cho quả quanh năm, rễ của nó mọc thành cụm như cây đước và nửa chìm dưới mặt nước. Nhiều nơi có thói quen trồng cây bần để làm "hàng rào" bảo vệ đất đai tránh sự xâm lấn của nước biển.
Để phục vụ nhu cầu sử dụng của người dân, ngày nay quả bần không chỉ được hái lượm tự do mà nhiều tiểu thương cũng thu hoạch quả bần mang ra chợ bán, nhất là người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long có thói quen ăn quả bần mỗi ngày. Ngoài việc ăn sống hoặc nấu chung với canh chua, quả bần còn được người dân đem đi làm mứt để cho ra đời mứt bần có vị chua chua ngọt ngọt.