Nếu có cháy nhà cao tầng xảy ra khiến người dân hoang mang, tự hỏi khi có hỏa hoạn thì người dân nên chạy lên hay chạy xuống để thoát hiểm?
Rạng sáng 24/5, một vụ cháy nhà trọ xảy ra tại khu vực Trung Kính thuộc quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội khiến ít nhất 14 người thiệt mạng. Theo báo cáo ban đầu, ngọn lửa bốc lên từ tầng dưới khu vực đỗ xe đạp điện, xe máy điện của hộ kinh doanh trong tòa nhà. Nhân chứng xung quanh kể lại, họ nghe thấy tiếng nổ lớn, sau đó là nhiều tiếng nổ liên tiếp và ngọn lửa bốc lên dữ dội, nuốt chửng cả căn nhà.
Năm 2023, một vụ hỏa hoạn tại chung cư mini ở phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội khiến 56 người chết và 37 người bị thương đến nay vẫn khiến người dân chưa hết bàng hoàng. Nguyên nhân vụ cháy sau đó được xác định do chập mạch điện trên đường dây dẫn điện ở khu vực bình ắc quy thuộc phần đầu xe mô tô sử dụng động cơ xăng (loại xe tay ga). Phần lớn những căn hộ trong tòa nhà đều xây lưới chống trộm hoặc khung sắt an toàn nên khi có cháy nhà, người dân rất khó thoát ra ngoài.
Trong tình trạng ngày càng nhiều các căn hộ cao tầng xuất hiện và những đám cháy xảy ra ở các chung cư cao tầng thì người dân nên chạy xuống hay chạy lên phía trên để thoát hiểm?
Nếu có cháy nhà, nên chạy xuống hay chạy lên để trốn thoát?
Để biết được nên chạy lên hay chạy xuống khi có hỏa hoạn xảy ra, người dân trước hết cần xác định đám cháy bùng phát từ đâu. Theo lý thuyết, có 4 phương pháp thoát nạn phổ biến khi có hỏa hoạn là thoát lên trên, thoát xuống dưới, chờ cứu hộ tại chỗ và lánh nạn gần đó.
Đặc điểm chung của các vụ hỏa hoạn ở nhà cao tầng là tốc độ cháy lan rất nhanh. Nguyên nhân do các tòa nhà cao tầng có trang bị hệ thống giếng khoan, trục thang máy hay đường ống thoát khí. Khi xảy ra cháy, ngọn lửa sẽ tạo hình "hiệu ứng ống khói" và nhanh chóng lan ra các khu vực xung quanh.
Nếu đám cháy xuất phát từ tầng trên thì người dân cần chạy nhanh xuống tầng dưới, nơi có lối thoát hiểm hoặc cửa chính để thoát ra ngoài. Đây cũng là ưu tiên hàng đầu trong việc thoát hiểm khỏi các đám cháy nhà cao tầng.
Tuy nhiên, trong trường hợp ngọn lửa bùng lên từ tầng dưới, nhất là tầng 1 mà người ta không thể vượt qua được để thoát ra ngoài, ngọn lửa sẽ bịt kín lối thoát hiểm ở cầu thang và có xu hướng bốc lên trên với tốc độ rất nhanh. Vì vậy, người dân ở những tầng thấp có độ cao không có 3,5 mét, có thể tìm lối thoát hiểm thông qua cửa sổ hoặc ban công nếu đủ điều kiện an toàn trèo ra ngoài như có lắp đặt thang dây. Nếu không tuyệt đối không nhảy bởi khả năng sống sót không cao.
Thay vào đó, người dân có thể di chuyển lên các tầng cao hơn hoặc tầng thượng, thậm chí là tìm một khu vực an toàn, đóng kín cửa lại để "cách ly" với đám cháy bên ngoài. Những nơi có nhiều oxy như khu vực ban công, cửa sổ là lựa chọn tốt nhất. Người dân cũng có thể dùng những chiếc khăn, chăn thấm nước ẩm rồi chèn vào những khe hở ở cửa để ngăn khói tràn vào gây ảnh hưởng hô hấp.