Những câu chuyện mang màu sắc liêu trai, bí ẩn dòng họ Mạc ở Hà Tiên và lời sấm truyền về kho báu đến nay vẫn khiến người dân hiếu kỳ.
Một trong những câu chuyện kỳ bí ở đất Hà Tiên (tỉnh Kiên Giang) đến nay vẫn còn lưu truyền có liên quan đến dòng họ Mạc. Những bí ẩn dòng họ Mạc ở Hà Tiên cũng trở thành đề tài muôn thuở của những người lớn tuổi trong vùng khi kể lại cho con cháu của mình nghe.
Bí ẩn dòng họ Mạc ở Hà Tiên
Cuối thế kỷ 17, đầu thế kỷ 18, sau khi bộ tộc Mãn Thanh lật đổ nhà Minh để thành lập triều đại mới ở Trung Hoa, những trung thần nhà Minh không muốn chịu khuất phục đầu hàng Mãn Thanh nên đã dấy lên nhiều phong trào "phản Thanh phục Minh" trong dân gian. Một trong số những vị tướng dẫn đầu phong trào chống phá Mãn Thanh là Mạc Cửu.
Sau khi Mạc Cửu bị chính quyền Mãn Thanh truy đuổi gay gắt, ông buộc phải đưa gia đình di chuyển sang nước ngoài để lánh nạn. Nơi mà ông lựa chọn chính là khu vực Tây Nam của Việt Nam lúc bấy giờ.
Tại đất Hà Tiên xưa, Mạc Cửu đã chỉ huy mọi người khai phá, xây dựng vùng đất cằn cỗi trở thành một trong những thủ phủ sung túc, hưng thịnh nhất giai đoạn đó. Dưới quyền của triều đình nhà Nguyễn nhưng dòng họ Mạc vẫn có quyền tự tin nhất định. Họ chủ trương tự xây dựng quân đội riêng, tạo ra đồng tiền riêng và thúc đẩy giao thương trao đổi buôn bán bằng đường hàng hải với các quốc gia lân cận.
Giai đoạn thịnh vượng nhất của dòng họ Mạc ở Hà Tiên là khi Mạc Thiên Tích (con trai của Mạc Cửu) lên làm Tổng binh trấn . Dưới thời của Mạc Thiên Tích, người dân tích cực buôn bán, đặc biệt là giao thương quốc tế nên cuộc sống của mọi người đều phong phú , hưng thịnh. Cũng trong giai đoạn này, nhiều lời đồn cho rằng dòng họ Mạc tích trữ rất nhiều kho báu quý giá khiến không ít người dòm ngó.
Sau này, khi triều đình nhà Nguyễn tấn công vào khu vực Tây Nam, dòng họ Mạc buộc phải để lại toàn bộ của cải tích góp bao năm để chạy trốn. Nhiều lời đồn cho rằng trước khi thoát thân, người nhà họ Mạc đã chôn toàn bộ kho báu của gia tộc xuống khu vực lăng mộ của gia đình cũng như xung quanh dinh thự. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 thế kỷ trôi qua nhưng những bí ẩn dòng họ Mạc và câu chuyện kho báu vẫn chưa tìm được lời giải đáp.
Lời sấm truyền về kho báu bí ẩn dòng họ Mạc
Trong một bài phỏng vấn trước đây, ông Lâm Văn Hai (thường được gọi là ông Hai Cua) ngoài 80 tuổi cho biết ông cố nội của mình từng theo phục vụ cho Mạc Tử Khâm - cháu đời thứ 7 của Mạc Cửu. Ông Hai Cua kể: "Mạc Thiên Tứ là người có tài thao lược hơn người, tạo dựng cơ đồ rộng lớn, đưa dòng họ Mạc lên giai đoạn cực thịnh. Mạc Thiên Tứ có quân đội riêng rất mạnh, có tàu buôn lớn không thua gì nhà Nguyễn".
Ông Hai Cua nhắc đến lời sấm truyền mà nhiều người thường đồn đãi với rất nhiều phiên bản khác nhau. Trong đó có người cho rằng trước khi bà Cô Năm (Mạc Ni Cô - con gái Mạc Thiên Tứ) qua đời, bà để lại lời sấm có nội dung: "Bờ tre xanh xanh, hái lá nấu xanh, canh ăn hết canh, vị cay thanh thanh".
Điều này ứng với thực tế sau khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, viên tướng Roux Serret tiếp quản vùng đất Hà Tiên đã nghe ngóng về việc có nhiều kho báu của dòng họ Mạc được chôn xung quanh dinh thự và lăng mộ. Sau đó viên tướng này đã cho những đoàn tù khổ sai ngày đêm đào bới đất đá ở núi Bình San, mở đầu là ngôi mộ của bà Hiếu Túc (phu nhân của Mạc Thiên Tích).
Một số lời sấm truyền khác liên quan đến kho báu của dòng họ Mạc được biết đến nhiều nhất như: "Trời tây bóng ngả chênh vênh, soi vào hang đá long lanh ngọc vàng, vàng trong hang đó, vàng chói sáng loà, vọng lên lầu các nguy nga, ao sen nở trắng trước toà khói hương".
Dịch nghĩa lời sấm này là: Vào lúc xế chiều, khi mặt trời chiếu từ hướng Tây sẽ rọi đến nơi có chứa kho báu. Những khu lăng mộ với bí ẩn hàng trăm năm sẽ trở nên sáng lấp lánh. Ngoài ra, một số người khác cho rằng lời sấm truyền này là một lời chú nguyền của người gia tộc họ Mạc nhằm bảo vệ kho báu của mình trước sự lăm le của những kẻ tham lam bên ngoài.
Tất nhiên, những điều kể trên đều chỉ là suy đoán và truyền miệng trong dân gian chứ vẫn không có một tài liệu hay bút tích nào chứng thực. Tuy vậy, những lời sấm truyền, những câu chuyện mang tính liêu trai của dòng họ Mạc ở Hà Tiên đến nay vẫn thu hút sự quan tâm của những người yêu khảo cổ và tìm hiểu về văn hoá lịch sử địa phương.