Khi nhận kết quả xét nghiệm ADN trên tay, chị Lệ vô cùng sốc, không thể tin vào sự thật.
Theo đó, chị Tú Lệ (40 tuổi, ở Quảng Ninh) kết hôn cùng với một người đàn ông nước ngoài. Tuy nhiên, dù đã thả nhiều năm mà hai vợ chồng vẫn mãi không có con. Chị bị suy giảm buồng trứng, khó có thể mang thai tự nhiên được. Cũng bởi vậy mà chị buộc phải xin trứng của một người khác và kết hợp với tinh trùng của chồng để tiến hành IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).
Sau quãng thời gian chờ đợi, cuối cùng chị cũng có bầu. Khi biết tin cả gia đình chồng ở nước ngoài đều rất vui mừng. Ai cũng háo hức chờ đến ngày cả gia đình được đoàn tụ bên trời Tây.
Để được làm thủ tục xuất cảnh ra nước ngoài, hồ sơ của chị Lệ cần phải có cả giấy xét nghiệm ADN. Đây chính là căn cứ để quyết định chị có được xuất cảnh theo chồng hay không.
Đến ngày nhận kết quả xét nghiệm, chị Lệ vô cùng háo hức. Tuy nhiên, đến khi nhìn kỹ kết quả, chị kinh ngạc: “Sao kết quả lại thế này? Đứa bé nằm trong bụng tôi, nước ối lấy ra từ bụng tôi thì đương nhiên phải là con của tôi. Rõ ràng đã là con của chồng tôi rồi cơ mà. Đứa trẻ phải là con của tôi nữa chứ?”.
Chia sẻ về trường hợp này, bà Nguyễn Thị Nga, Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền giải thích với báo VTC News rằng, đứa trẻ là con chị vì chị đang mang bầu và sinh bé ra nhưng không phải là “máu mủ ruột thịt” của chị bởi bé được hình thành từ trứng của người phụ nữ khác chứ không phải trứng của chị. Do đó, em bé là con của người chồng nhưng không phải con của chị Lệ.
Lúc này, chị Lệ mới thành thật nói với các chuyên gia của trung tâm về hoàn cảnh của mình. Chị bày tỏ mình vô cùng lo lắng vì khó có thể theo chồng ra nước ngoài. Chị mong muốn trung tâm có thể giúp chị gạch bỏ giúp dòng chữ “Không phải con của mẹ”.
Tuy nhiên, việc sửa đổi hay thêm bớt thông tin trên giấy tờ xét nghiệm là gian dối. Cũng theo các chuyên gia, tất cả các trường hợp xét nghiệm ADN để làm căn cứ xuất cảnh ra nước ngoài đều cần phải có đầy đủ cả bố , mẹ và con.
Bà Nga cũng chia sẻ với Báo VTC News rằng, trước đó, trung tâm đã từng làm xét nghiệm quan hệ huyết thống trước sinh cho hơn 1000 trường hợp. Trong đó, việc thai nhi không phải là con bố khá nhiều nhưng việc không phải con mẹ như thế này thì chưa bao giờ xảy ra. Khi nhìn thấy kết quả này, những người làm giám định cũng có phần lúng túng.
Bà Nga nói với Báo VTC News: “Chúng tôi đã rà soát lại các khâu nhưng không hề có sự nhầm lẫn. Ca này vẫn được kết luận: Thai nhi là con của bố, không phải con của mẹ”.
Phương pháp xét nghiệm ADN xác định quan hệ huyết thống thai nhi được xác định thông qua một lượng nước ối nhỏ được hút từ túi ối trong bụng người mẹ. Nước ối có chứa nhiều ADN của đứa trẻ nên kết quả cho ra cũng có độ chính xác cao.