Lĩnh vực này đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực nghiêm trọng, khi con người phải đối diện với những thách thức liên quan đến bảo mật thông tin và an toàn trên không gian mạng.
Ngành học cấp thiết của nhân loại với điểm chuẩn cao ngất ngưởng
Gần đây, bên cạnh những câu chuyện ấm lòng trên mạng xã hội, vẫn tồn tại nhiều tiêu cực và rủi ro liên quan đến bảo mật, cùng với đó là những phi vụ lừa đảo khiến nhiều người rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”.
Đối diện với những thách thức và rủi ro của thời đại mới, nhu cầu bảo vệ các hệ thống máy tính và mạng dữ liệu ngày càng trở nên cấp thiết. Điều này đã dẫn đến sự ra đời và phát triển của các chuyên ngành an ninh mạng. Những người làm việc trong lĩnh vực này không chỉ bảo vệ thông tin và tài sản cá nhân, doanh nghiệp, mà còn đóng góp quan trọng vào việc bảo vệ an ninh quốc gia và an toàn thông tin toàn cầu.
Khi theo học lĩnh vực này, sinh viên sẽ được nghiên cứu về các kỹ thuật mã hóa và giải mã thông điệp, đồng thời học cách xây dựng một hệ thống mạng an toàn. Quan trọng nhất là tìm hiểu các phương pháp phòng chống tấn công, cơ chế hoạt động của virus và phần mềm độc hại, từ đó phát hiện và phòng ngừa, cũng như xây dựng chính sách an toàn thông tin để bảo vệ hệ thống.
Tại Việt Nam, để theo đuổi lĩnh vực an ninh mạng, học sinh có thể xem xét các chuyên ngành như An toàn thông tin, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện tử... Hầu hết các trường đại học sẽ xét tuyển dựa trên các tổ hợp A00 (Toán - Lý - Hóa), A01 (Toán - Lý - Anh), D01 (Toán - Văn - Anh), D07 (Toán - Hóa - Anh), D90 (Toán - Anh - Khoa học tự nhiên)...
Hiện nay, tại Việt Nam, số lượng trường đào tạo các ngành liên quan đến an ninh mạng còn rất hạn chế. Vì vậy, hàng năm, số sinh viên tốt nghiệp trong lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu nhân lực ngày càng gia tăng của các tổ chức, doanh nghiệp.
Năm 2024, lĩnh vực an ninh mạng nhận được nhiều sự quan tâm từ học sinh và phụ huynh. Học viện Kỹ thuật Mật mã hiện là một trong những trường hàng đầu đào tạo về an ninh mạng. Ở cơ sở phía Bắc, điểm chuẩn ngành An toàn thông tin là 25,95, trong khi ở phía Nam, điểm chuẩn là 24,85 cho các tổ hợp A00, A01, D90.
Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đặt ngưỡng điểm chuẩn trúng tuyển cho ngành An toàn không gian số ở mức 27,9 với hai tổ hợp môn xét tuyển A00 và A01. Trường Đại học Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM) có điểm chuẩn là 26,77 cho các tổ hợp A00, A01, D01, D07, và cho thí sinh có ưu thế về ngôn ngữ Nhật là D06 (Toán - Văn - tiếng Nhật).
Thu nhập tiền tỷ nhờ vá lỗ hổng bảo mật
Trước tình hình an ninh mạng ngày càng phức tạp và số lượng các cuộc tấn công gia tăng, nhu cầu về chuyên gia an ninh mạng trong doanh nghiệp và tổ chức đang ngày một lớn. Các tổ chức đang tìm kiếm những chuyên gia có kỹ năng và kiến thức sâu rộng về bảo mật mạng, phòng chống tấn công mạng, phân tích rủi ro và quản lý an ninh thông tin.
Vì vậy, sinh viên theo đuổi lĩnh vực an ninh mạng sẽ có nhiều cơ hội nghề nghiệp phát triển bền vững, như chuyên gia bảo mật mạng, nhà phân tích an ninh mạng, chuyên viên tư vấn an ninh mạng và nhà phát triển phần mềm an ninh.
Để thành công trong lĩnh vực này, sinh viên cần kiên nhẫn và đam mê tìm tòi, học hỏi kiến thức và kỹ năng đặc thù để đối phó với những thách thức phức tạp trong môi trường số. Họ cần nắm vững các nguyên lý cơ bản về bảo mật thông tin, bao gồm mã hóa, xác thực, quản lý rủi ro và phòng chống tấn công mạng. Đồng thời, cần thành thạo các công cụ và phương pháp phân tích mã độc, giám sát hệ thống và phát hiện xâm nhập trái phép. Qua đó, họ có thể tìm cách báo lỗi hệ thống và phối hợp với các phòng ban chức năng để vá lỗ hổng.
Sinh viên cần phát triển tư duy phản biện và khả năng giải quyết vấn đề trong môi trường thay đổi liên tục. Họ cũng phải nắm rõ các quy định pháp lý liên quan đến quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, đồng thời hiểu rõ đạo đức nghề nghiệp để tránh lợi dụng công việc cho mục đích cá nhân.
Đối với sinh viên mới ra trường với ít kinh nghiệm, mức lương khởi điểm khoảng 12 triệu đồng/tháng. Nếu được trang bị đủ kiến thức và tích lũy kinh nghiệm lâu năm, họ có thể trở thành chuyên gia hoặc kỹ sư, với mức lương trên 30 triệu đồng/tháng tại các công ty lớn.
Những kỹ sư có kinh nghiệm và các nhà nghiên cứu tham gia vào các chương trình phát hiện lỗ hổng có thể đạt thu nhập lên đến hàng chục ngàn USD/tháng. “Ngoài tiền lương, những chuyên gia an ninh mạng, đặc biệt là những người giỏi trong việc tìm kiếm lỗ hổng bảo mật, có thể kiếm từ 10.000-20.000 USD, hoặc thậm chí lên đến 50.000 USD (khoảng 1,2 tỷ đồng) mỗi tháng. Ngoài ra, một số người khác tham gia vào các dự án kiểm thử an ninh mạng bên ngoài cũng có thể kiếm thêm thu nhập từ các hợp đồng riêng,” anh Ngô Minh Hiếu, nhân viên tại Trung tâm Giám sát An toàn Không gian mạng quốc gia, chia sẻ về mức thu nhập của kỹ sư an ninh mạng.
Với sự cấp bách của nhu cầu nhân lực hiện nay, các trường đại học và cơ sở giáo dục đang ngày càng chú trọng phát triển và đầu tư vào chương trình giảng dạy để đào tạo ra các thế hệ sinh viên có thể đáp ứng nhu cầu của thời đại mới.