Ứng dụng Generative AI(Trí tuệ nhân tạo tạo sinh), sau 27 tiếng lập trình liên tục, nhóm sinh viên Tổ chức Giáo dục FPT phát triển thành công trợ lý “ảo” pháp luật, giành giải Quán quân cuộc thi lập trình FPT Edu Hackathon 2024.
“TechTack Legal AI Assistant” - trợ lý luật sư AI là hệ thống được phát triển bởi nhóm 4 sinh viên FPT Edu gồm Ngô Tuấn Anh, Dương Ngọc Anh, Nguyễn Hoàng Việt và Ngô Thanh Tùng (K22 chuyên ngành Công nghệ thông tin, Greenwich Việt Nam, cơ sở Hà Nội). Hướng đến đối tượng sử dụng chính là các luật sư, TechTack AI cung cấp những tính năng như tìm kiếm, phân tích và scan văn bản pháp luật, giấy tờ pháp lý một cách nhanh chóng, chính xác.
Nhóm 4 sinh viên FPT Edu phát triển thành công ứng dụng TechTack
“Luật sư thường phải nghiên cứu rất nhiều hợp đồng, chứng từ, sổ sách... Các giấy tờ này thường là bản cứng nên không thể sử dụng chức năng “Ctrl + F” để tìm kiếm và tổng hợp nhanh thông tin như với bản mềm. Để khắc phục vấn đề trên, TechTack AI cung cấp tính năng scan và chuyển đổi thông tin từ dạng ảnh sang văn bản với số lượng lớn, giúp luật sư dễ dàng tìm kiếm và trích dẫn những thông tin mình cần, qua đó tiết kiệm công sức và thời gian”, nhóm sinh viên chia sẻ.
Để hỗ trợ người dùng tra cứu và trích xuất thông tin pháp luật một cách nhanh chóng, chính xác nhất, TechTack AI đã tạo nên một cơ sở dữ liệu số chuyên ngành luật và liên tục cập nhật các văn bản pháp luật mới ban hành. Thay vì phải tìm kiếm thông tin pháp lý mình cần qua nhiều trang web khác nhau, người dùng có thể đặt câu hỏi trực tiếp trên website của TechTack AI, sau đó hệ thống sẽ trả về các thông tin liên quan, cung cấp đường dẫn đến thẳng các điều luật được nhắc đến.
Hình ảnh mô phỏng hệ thống TechTack do nhóm sinh viên xây dựng
“Điểm mạnh của TechTack đó là việc ứng dụng AI, tức là có khả năng học hỏi từ dữ liệu thực tế, giúp hệ thống ngày càng thông minh hơn và đưa ra các kết quả tìm kiếm chính xác hơn”, nhóm sinh viên cho biết.
Trước những vấn đề như: “Làm thế nào để đảm bảo tính chính xác của các kết quả tìm kiếm, đặc biệt khi luật pháp luôn thay đổi?", nhóm sinh viên cũng tìm ra phương án giải quyết hợp lý. Nhóm cho biết TechTack được xây dựng trên cơ chế cập nhật thông tin pháp luật liên tục, kết hợp với việc đánh giá và xác thực thông tin từ nhiều nguồn khác nhau. Nhóm cũng kết hợp với chuyên gia là các luật sư để có thể đánh giá và cải thiện chất lượng câu trả lời của AI.
Sản phẩm này được nhóm sinh viên FPT Edu lập trình trong 27 tiếng liên tục khi tham gia vòng chung kết cuộc thi FPT Edu Hackathon 2024, tổ chức tại Trường ĐH FPT phân hiệu Bình Định cuối tháng 7 vừa qua.
Sản phẩm này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ Ban giám khảo cuộc thi là các giảng viên, chuyên gia CNTT nhờ ý tưởng sáng tạo, góp phần chuyển đổi số và tối ưu hóa quy trình làm việc của luật sư.
Sản phẩm được nhóm sinh viên lập trình liên tục trong 27h tại cuộc thi FPT Edu Hackathon 2024.
Nhóm sinh viên FPT Edu đã xuất sắc giành giải Quán quân bảng Đại học tại cuộc thi FPT Edu Hackathon 2024. Ngoài giải thưởng tiền mặt trị giá 15 triệu đồng, nhóm còn được đi học tập, trải nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc) - "thung lũng silicon châu Á".
“Phần thưởng này là cơ hội để chúng mình tiếp tục học hỏi và đầu tư phát triển TechTack một cách hoàn thiện hơn, kỳ vọng có thể sớm ra mắt thị trường và hỗ trợ người dùng tốt nhất”, nhóm sinh viên chia sẻ.
FPT Edu Hackathon là cuộc thi lập trình thường niên dành cho học sinh, sinh viên do FPT Edu tổ chức. Năm 2024, FPT Edu Hackathon chọn chủ đề Generative AI - Trí tuệ nhân tạo tạo sinh. Cuộc thi có hệ thống giải thưởng hấp dẫn đặc biệt bốn đội vô địch bốn bảng đấu được nhận giải cùng với chuyến trải nghiệm tại Đài Loan (Trung Quốc).