Người dân ở ngôi làng này luôn tự hào vì được đích thân vua Lý đặt tên. Cái tên cũng gắn liền với một tập tục được lưu truyền trong suốt nhiều năm lịch sử.
Không chỉ tên người mà nơi sống như đình, làng, dòng sông, con suối... ở từng địa phương cũng được người ta xem xét kỹ lưỡng để đặt tên phù hợp. Thông thường, những đối tượng này được đặt tên gắn liền với vị trí địa lý hoặc danh thắng gần đó. Một số nơi sẽ dùng tên riêng của một người, một sự kiện hay một nét đẹp văn hóa để đặt tên vùng nhằm thể hiện sự kính trọng, yêu mến đối với đối tượng ấy.
Tuy nhiên, trong lịch sử Việt Nam ghi nhận một ngôi làng kỳ lạ có từ lâu đời với cái tên độc nhất vô nhị. Được biết, làng mang nhiều nét văn hóa độc đáo, có giá trị lưu truyền nên ai cũng chọn những cái tên thật đẹp để gọi chúng. Ấy vậy mà giữa thế kỷ 21, vẫn có một ngôi làng được đặt tên lạ lùng không giống ai.
Ngôi làng nằm trong xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức, Hà Nội được nhiều người biết đến với cái tên làng Trinh Tiết. Từ xưa đến nay, làng Trinh Tiết nằm cạnh dòng sông Đáy với sự phát triển sớm của nghề nuôi tơ tằm. Thậm chí, ngôi làng này vào thời phong kiến còn được mệnh danh là "thủ phủ tơ tằm" của nước Việt Nam.
Tuy vậy, vì sở hữu cái tên quá đặc biệt nên mỗi khi người ta nghe đến đều xấu hổ "đỏ mặt". Thực chất, cái tên làng có nguồn gốc từ tập tục tốt đẹp được lưu truyền ngàn đời. Các cụ xưa kể lại rằng, thời khai khẩn đất hoang, ngôi làng có tên là Bối Lang, sau đổi thành làng Sêu.
Mặc dù vậy, không hiểu vì duyên cớ gì mà hầu như những cô gái xinh đẹp, nết na, hiền dịu trong làng đều một lòng son sắc, sau khi chồng mất thì một lòng thờ chồng dạy con, không có trường hợp ngoại lệ. Chính vì đức tính chung thủy nên được vua nhà Lý đặt tên là làng Trinh Tiết.
Nói về sự tích xa xôi của tên làng, một câu chuyện dân gian truyền rằng, Thành hoàng của làng là Triệu Quốc Bảo có một người phụ thân từ xứ trong ra đây lập nghiệp. Sau đó ông kết hôn và sinh con tại nơi này. Sau khi sinh được Quốc Bảo thì ông mất, người vợ của ông phải chịu cảnh mẹ góa con côi.
Dù được nhiều người đàn ông giàu có săn đón nhưng người mẹ vẫn một lòng giữ trọn đạo nghĩa, sống một mình thờ chồng dạy con. Chính vì cảm phục trước đức tính này của bà nên người dân trong làng vô cùng kính nể.
Một lần, vua Lý Thánh Tông du thuyền trên sông Đáy và ghé qua ngôi làng này, được nghe kể lại câu chuyện trong lòng cảm phục vô cùng. Không ngờ một người phụ nữ không có chồng lại có thể nuôi nấng một vị tướng thành tài cho đất nước. Chính vì vậy, vua Lý đổi tên làng thành làng Trinh Tiết. Người dân trong làng vô cùng tự hào trước cái tên đặc biệt này và được gìn giữ đến ngày nay.
Được biết, kể từ lúc đó, làng Trinh Tiết có một tập tục chính là những người phụ nữ sẽ ở góa để thờ chồng, dạy con mà không được "đi thêm bước nữa". Thậm chí, một số người đàn ông không may mất vợ cũng sống độc thân để nuôi nấng con cái thành tài. Trong làng có một câu truyền miệng: "Làng Sêu quê cũ, chim đậu đất lành, văn vật ngàn xưa, còn lưu mãi - Trinh Tiết đời nay, xuân về vận mới, thanh cao muôn thuở, phải là đây".
Ảnh: Tổng hợp