Trong lịch sử Việt Nam ghi nhận về một vị vua đặc biệt khi lên ngôi dù chỉ mới 8 tuổi. Mặc dù vậy, vị vua này có một câu nói nổi tiếng muôn đời.
Triều Nguyễn được xem là triều đại phong kiến cuối cùng của Việt Nam. Trong lịch sử các vị vua triều Nguyễn có nhắc đến một vị vua vô cùng đặc biệt. Lên ngôi năm 8 tuổi nhưng lại có lòng yêu nước và ý chí chống giặc ngoại xâm mạnh mẽ khiến nhiều người nể phục, đó chính là vua Duy Tân.
Trong tài liệu, vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, con của vua Thành Thái và tài nhân Nguyễn Thị Định. Năm 1907, vua Duy Tân khi đó mới 7 tuổi (sử sách ghi 8 tuổi vì triều đình xin tăng) nối nghiệp của cha, trở thành người trị vì một nước. Lúc bấy giờ, thân thể của vua Duy Tân nhỏ bé nhưng lại khoác lên người chiếc áo choàng nặng đến 5 kg của cha vì chưa kịp may hoàng bào.
Vua Duy Tân nổi tiếng là người rất thích tìm tòi, học hỏi những điều mới lạ. Ông am hiểu rộng kiến thức về nghệ thuật, văn hóa và khoa học, từng được giáo sư Ébérhard nhận xét là "nhân vật không tầm thường".
Càng trưởng thành, vua Duy Tân càng thể hiện lòng yêu nước và tinh thần không khuất phục trước ngoại xâm. Năm vua Duy Tân 12 tuổi, ông đã phản ứng mạnh mẽ khi người Pháp đào bới tìm kho báu trong lăng Tự Đức. Trong một lần đi biển Cửa Tùng, thị vệ nhìn thấy vua đi từ bãi tắm lên với 2 bàn tay lấm lem đất cát nên lấy nước sạch đến cho vua rửa tay.
Kết quả, vua hỏi thị vệ: "Tây bẩn thì lấy nước để rửa, rứa nước bẩn thì lấy chi mà rửa?" Thị vệ hoảng hốt không biết trả lời thế nào cho đúng. Lúc bấy giờ, vua Duy Tân nói một câu mà sau này hậu thế luôn nhắc mãi: "Nước bẩn thì lấy máu mà rửa". Qua đó có thể thấy sự gai góc, cứng cỏi của vị vua khi không cam lòng dưới quyền của giặc ngoại xâm.
Năm 15 tuổi, vua Duy Tân tìm cách liên lạc với Việt Nam Quang phục Hội của Phan Bội Châu, có ý định tổ chức khởi nghĩa. Tuy nhiên, ý định của vua Duy Tân bị bại lộ, ông bị bắt đi đày ở châu Phi cùng vua Thành Thái, mẹ, vợ và em gái của mình. Ở nước ngoài, vua Duy Tân từ chối sống trong biệt thự cao sang mà thuê một căn nhà nhỏ ở Sain-Denis.
Vua Duy Tân bắt đầu học ngành kỹ thuật vô tuyến điện, mở cửa hàng buôn bán, sửa chữa radio. Ngoài ra, vua Duy Tân còn học thêm ngoại ngữ và luật học. Trong cuộc Chiến tranh Thế giới thứ 2, vua Duy Tân tìm cách thu thập tin tức để chuyển về cho lực lượng kháng chiến.
Năm 1945, sau khi Việt Nam giành được độc lập, vua Duy Tân bất ngờ gặp tai nạn máy bay ở châu Phi. Mãi đến năm 1987, sau 42 năm, thi hài của vua Duy Tân mới được đưa về Việt Nam và được an táng tại Lăng Dục Đức, bên cạnh mộ vua Thành Thái. Vua Duy Tân là một trong 3 vị vua yêu nước nổi tiếng của triều Nguyễn bao gồm vua Duy Tân, vua Hàm Nghi, vua Thành Thái.