24h
Yeah1 News

Vì sao uống bia rượu gần 1 ngày vẫn còn nồng độ cồn trong người? Mất bao lâu để nồng độ cồn hết hẳn?

Thứ bảy, 03/02/2024 | 11:12 (GMT+7)

Nhiều người thắc mắc vì sao mình đã uống bia rượu từ tối hôm trước, mà đến trưa chiều hôm sau vẫn bị xử phạt vì phát hiện ra nồng độ cồn còn trong khí thở.

Tùy vào từng loại bia rượu khác nhau mà nồng độ cồn cũng sẽ khác nhau. Thông thường, bia chứa khoảng 5% độ cồn, rượu vang vào khoảng 9-16% độ cồn. Thậm chí, những loại rượu mạnh có thể lên đến 40-45% độ cồn. Tuy nhiên, nhiều người vẫn thắc mắc trường hợp đã uống bia, rượu từ 1 ngày trước, nhưng tại sao đến hôm sau kiểm tra thì vẫn còn nồng độ cồn trong người?

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Lý giải cho câu hỏi này, Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, phụ trách Trung tâm Ôxy cao áp Việt - Nga, Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga (Bộ Quốc phòng) chia sẻ, 85 - 90% nồng độ cồn sẽ được xử lý qua gan, khoảng 10 - 15% nồng độ cồn sẽ đào thải qua đường hô hấp, da, mồ hôi. Đó chính là cơ chế đào thải cồn của cơ thể mỗi ngày.

Trung bình khi bạn uống 2 cốc bia tương đương với 3 đơn vị cồn , bạn sẽ phải mất khoảng 3 tiếng để cồn được thải trừ. Tuy nhiên, lúc này cồn vẫn chưa hết hẳn, bạn cần đợi thêm  2-3 tiếng nữa thì lượng cồn trong máu mới về con số 0. Từ đó, muốn nồng độ cồn về mức 0% sau khi đã uống 2 cốc bia, bạn phải chờ đến 6 tiếng.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Ngoài ra, bác sĩ Hoàng còn nói thêm: “Đây là những con số mang tính trung bình, ước tính. Mỗi cá nhân sẽ có thời gian khác nhau và có nhiều yếu tố ảnh hưởng tới tốc độ thải trừ cồn của cơ thể. Ví dụ, có người ăn rất nhiều rồi mới uống bia. Khi đó bia được hấp thu 20% ở dạ dày và 80% ở ruột non. Khi dạ dày chứa nhiều thức ăn thì tốc độ hấp thu của dạ dày sẽ chậm và tốc độ thải trừ cồn cũng sẽ chậm theo”.

Bên cạnh đó, những người có chức năng gan yếu sẽ mất thời gian nhiều hơn để nồng độ cồn được đào thải hết. Vì vậy, chúng ta không nên uống bất kỳ cốc bia nào khi đã xác định sẽ ra đường lái xe trong khoảng 5-6 giờ tới.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Một số người uống quá nhiều bia rượu vào tối hôm trước, nhưng đến trưa, chiều hôm sau vẫn còn bị xử phạt vì phát hiện nồng độ cồn còn trong khí thở. Với trường hợp này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) nên quan điểm thẳng thắn rằng “người đó đáng bị xử phạt vì chứng tỏ đã uống quá nhiều. Do nồng độ cồn quá cao nên sau nhiều giờ đồng hồ vẫn không thể đào thải ra khỏi cơ thể”.

Bác sĩ Nguyên nói thêm: “Tôi đồng tình với quy định nghiêm cấm điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Kể cả khi chỉ uống ít rượu với nồng độ thấp cũng sẽ ảnh hưởng đến thần kinh, tâm thần của người điều khiển phương tiện giao thông. Nhẹ là sẽ gây hưng phấn, nặng hơn là gây mất kiểm soát hành vi”.

Ảnh: Tổng hợp

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục