Không có điều hoà, tủ lạnh như thời hiện đại, người xưa chống chọi với mùa nắng nóng gay gắt bằng những biện pháp riêng biệt. Đặc biệt là những sáng kiến có 1-0-2.
Thời tiết nắng nóng kéo dài khiến nhiều người lo ngại về tình trạng sử dụng điện năng quá tải và các thiết bị điện như điều hoà , tủ lạnh có nguy cơ hỏng hóc. Nhiều người tự hỏi, trong thời buổi hiện đại, con người phụ thuộc nhiều vào các thiết bị có công năng làm mát vận hành bằng điện, nhưng thời xa xưa, người ta chưa phát minh ra điện thì con người chống chọi với nắng nóng như thế nào?
Theo nghiên cứu của các chuyên gia lịch sử, từ thời Tiên Tần, con người đã biết sử dụng đá viên hoặc những khối băng vào mùa đông để dự trữ và sử dụng trong mùa hè. Điều này được xem là một sáng kiến quan trọng giúp con người thời đại phong kiến vượt qua được thời tiết khắc nghiệt của thiên nhiên vào mùa hè.
Hầm băng
Một trong những phương thức thay thế điều hoà hiện đại mà người xưa sử dụng chính là hầm tích trữ băng. Được biết, hầm băng là một nơi được thiết kế để chứa đá, có khả năng trữ đông băng từ mùa đông đến mùa hè. Hộp đựng đá bằng đồng được gọi là "băng giám" - đây còn được xem là tủ lạnh thời xa xưa.
Người ta sẽ xây dựng một tầng hầm vào mùa đông, sau đó giữ đá lạnh đến mùa hè năm sau sử dụng. Tuy nhiên, cách thức này khá phức tạp và tốn kém, hàng năm có khoảng 2/3 lượng băng dự trữ bị tan chảy nên người ta thường phải cất giữ gấp 3 lần lượng băng cần dùng để hạn chế tiêu hao.
Cũng vì lý do trên nên không phải bất kỳ ai cũng có khả năng xây dựng và sử dụng hầm băng. Thông thường, chỉ những gia đình giàu có, quý tộc và vua chúa, quan lại mới có thể sở hữu vật phẩm này. Thời nhà Tống, việc quản lý sử dụng băng còn liệt vào danh sách những quy định quan trọng của quốc gia, chung với chính sách quản lý ngựa, muối và trà.
Băng giám
Như đã nói ở trên, "băng giám" được xem như chiếc tủ lạnh của con người cổ đại. Băng giám thường được đúc bằng đồng, có hình dạng như một chiếc hộp tinh xảo, rỗng bên trong để người ta trữ băng lạnh. Vào mùa hè oi bức, băng giám được dùng để bảo quản thức ăn, nhất là những món ăn mát lạnh.
Hai bên hộp của "băng giám" là vòng nâng, phía trên có nắp đậy. Khi mở hộp, bên trong xuất hiện 2 lớp giống như chữ "回", lớp ngoài cùng để nước đá, lớp bên trong sẽ chứa những món đồ cần ướp lạnh.
Từ thời xa xưa, những gia đình giàu có, quý tộc đã có thú vui thưởng thức rượu lạnh hoặc những món kem trái cây ướp lạnh. Họ thường bảo quản thức ăn bên trong những vật phẩm thế này.
Trường kỷ
Bên cạnh "điều hoà " và "tủ lạnh", người xưa còn thiết kế ra một sản phẩm có tác dụng mát lạnh quanh năm để giúp giấc ngủ của mọi người được thoải mái. Đó chính là trường kỷ, đây là loại giường chuyên dụng cho mùa hè, thường được làm từ mây tre hoặc thân cây gỗ. Trường kỷ có 2 dạng là dạng hộp và dạng khung.
Tại Hồ Nam (Trung Quốc), nghề thủ công làm triếu trúc đã có từ rất lâu đời và đến nay vẫn còn được bảo tồn, phát triển. Họ thường chọn những loại tre, trúc có màu sáng hoặc các dải tre nhẹ, mềm để dệt thành chiếu . Biết được công dụng làm mát của tre, trúc, nhiều món đồ thủ công đã được ra đời, từ giường trúc, chiếu trúc đến quạt trúc, gối trúc
Quạt tròn
Ngoài những vật dụng kể trên, một thứ đến ngày nay chúng ta vẫn thường xuyên bắt gặp cũng được người xưa vô cùng yêu thích. Đó chính là quạt tròn. Người thời cổ đại thường ngồi dưới bóng cây hóng mát, uống trà trong những ngày hè với một cây quạt tròn trên tay. Có giai đoạn, quạt tròn thịnh hành đến mức nó không chỉ dùng quạt mát mà còn là vật cầm tay, phụ kiện của mọi người khi ra đường.
Quạt hương bồ ra đời sớm nhất và gắn liền với lịch sử phong kiến. Hầu hết những cây quạt hương bồ đều có kết cấu hình tròn, mỏng, nhẹ. Sau này, quạt hương bồ được thiết kế đa dạng hơn với hình lục giác, bát giác, hình trống, hình lá...
Ảnh: Tổng hợp