Việc vo gạo trong ruột nồi cơm điện không phải là lựa chọn an toàn nhất. Bạn có thể vo gạo theo cách khác hợp vệ sinh hơn, đảm bảo độ bền của nồi.
Không nên vo gạo trong ruột nồi cơm điện
Trước khi nấu cơm, chúng ta cần vo gạo để loại bỏ bụi bẩn, sạn lẫn trong gạo, giúp đảm bảo độ sạch và thơm ngon của thành phẩm. Nhiều người có thói quen cho gạo vào ruột nồi cơm điện, thêm nước và vo trực tiếp. Sau khi đổ phần nước vo đi thì thêm lượng nước vừa đủ và đem đi nấu.
Tuy nhiên, việc vo gạo trực tiếp trong ruột nồi cơm điện không được khuyến khích. Việc này được lý giải bằng một số nguyên nhân:
- Làm hỏng lớp chống dính của ruột nồi cơm điện
Nồi cơm điện hiện nay đa số đều được phủ một lớp chống dính để cơm không dính vào thành nồi. Khi vo gạo trực tiếp trong ruột nồi, các hạt gạo cọ xát và làm xước phần chống dính nào. Về lâu dài, lớp chống dính sẽ bị bong tróc, khiến cơm dễ bị cháy, dính vào nồi. Phần chống dính bong tróc lẫn vào cơm cũng không tốt cho sức khỏe.
- Giảm tuổi thọ của nồi
Khi vo gạo trực tiếp trong ruột nồi, nước có thể bám xung quanh phần ruột này. Nhiều người trực tiếp đặt ruột nồi vào phần vỏ và nấu cơm luôn mà bỏ qua bước lau khô bên ngoài ruột nồi. Việc này có thể làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của nồi.
- Ảnh hưởng tới chất lượng cơm
Khi lớp chống dính của ruột nồi bị làm xước, cơm rất dễ bị cháy khi nấu. Ngoài ra, nó cũng có thể khiến cơm không được chín đều, làm giảm độ ngon của cơm.
Để đảm bảo vệ sinh, giúp tăng độ bền của nồi, bạn nên sử dụng rổ rá nhỏ hoặc chậu nhỏ để vo gạo. Khi vo gạo, chỉ cần dùng nước lạnh và dùng tay khuấy đều một cách nhẹ nhàng cho các bụi bẩn, tạp chất được đẩy ra ngoài. Ngoài ra, không nên vo gạo mạnh tay, không vo gạo quá nhiều lần vì có thể làm mất đi các chất dinh dưỡng quý giá trong lớp vỏ bên ngoài của hạt gạo.
Một số lưu ý khác khi nấu cơm
- Vệ sinh nồi thường xuyên
Bạn cần thường xuyên vệ sinh nồi để đảm bảo vệ sinh, tăng độ bền của nồi. Mỗi lần nấu cơm, hãy chú ý làm sạch phần ruột nồi và phần nắp tháo rời ở nắp nồi. Các vị trí này rất dễ đọng lại cặn từ lần nấu cơm trước. Nếu không được làm sạch, vi khuẩn sẽ phát triển nhanh và gây ảnh hưởng đến chất lượng cơm nấu lần sau. Cơm có thể nhanh thiu hơn và không tốt cho sức khỏe của người sử dụng.
- Không mở nắp nồi ngay khi cơm vừa chín
Trong lúc nấu cơm, nhiều người có thói quen mở nắp nồi cơm xem cơm chín chưa. Tuy nhiên, điều này sẽ làm mất đi một lượng nhiệt và hơi nước, ảnh hưởng tới quá trình chín của hạt gạo. Vì vậy, khi nấu cơm bằng nồi cơm điện, bạn không nên mở nồi trong quá trình nấu. Khi nồi báo đã nấu xong, bạn cũng không nên mở ra ngay. Để cơm trong nồi khoảng vài phút cho hạt cơm chín hẳn rồi mới mở nồi ra, đảo đều cơm.
- Sử dụng các loại muôi xới cơm bằng nhựa hoặc bằng gỗ
Các dụng cụ kim loại có thể làm xước bề mặt chống dính của ruột nồi cơm điện. Vì vậy, bạn nên dùng các loại muôi bằng nhựa hoặc bằng gỗ để tránh làm hỏng chống dính của nồi cơm điện.