Trong "Tây Du Ký", Đường Tăng là người không có phép thuật, cũng không có võ công, thường yếu ớt, dễ tin người nhưng vẫn được Tôn Ngộ Không đi theo phò trợ.
Qua câu chuyện trong "Tây Du Ký" giúp chúng ta nhận ra nhiều điều trong cuộc sống, đặc biệt là mối quan hệ của các nhân vật trong tác phẩm. Chắc hẳn khi theo dõi phim, nhiều khán giả sẽ nảy ra suy nghĩ ức chế, vì sao Đường Tăng "vô dụng", nhiều lần không nghe lời Tôn Ngộ Không mới bị yêu quái bắt nhưng Tôn Ngộ Không vẫn một lòng phò tá, răm rắp nghe lời?
Sử dụng những yếu tố của một người lãnh đạo và cấp dưới để phân tích, chúng ta sẽ thấy nhiều điều thần kỳ. Đường Tăng đóng vai trò như một người chỉ dẫn, lãnh đạo còn 3 đồ đệ thần thông quảng đại là Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới và Sa Tăng lại giống như những nhân viên cấp dưới.
1. Đường Tăng có niềm tin cao thượng
Một trong những nguyên nhân đầu tiên lý giải cho việc vì sao Tôn Ngộ Không hết lòng trung thành với Đường Tăng là vì ông có niềm tin mãnh liệt, bất diệt vào tương lai.
Không khó nhận ra, trong mọi hoàn cảnh dù vui sướng hay hiểm nguy thế nào, Đường Tăng vẫn giữ niềm tin về một ngày có thể thỉnh được chân kinh ở đất Tây Thiên xa xôi. Bất chấp đường đi khó khăn, thường xuyên chịu cảnh yêu quái tấn công, Đường Tăng vẫn không thay đổi.
Ngay cả khi Tôn Ngộ Không tức giận bỏ về Hoa Quả Sơn, một mình Đường Tăng vẫn tiếp tục lên đường đến đất Phật.
Nhiều người cho rằng, chính vì Đường Tăng có niềm tin vào cuộc sống nên ông sẽ cảm hóa được những người xung quanh, gieo rắc niềm tin cho họ. Ngoài ra, người có niềm tin còn có khả năng gắn kết tốt một tập thể, không dễ bị chia rẽ hay bất hòa.
2. Đường Tăng có nhân đức
Điều này không cần phải bàn cãi sau khi xem xong tất cả tập phim "Tây Du Ký". Đường Tăng được miêu tả là người hiền lành, tốt bụng, lương thiện, biết quan tâm người khác và luôn giữ lòng từ bi, nhân từ. Mọi người xung quanh luôn được Đường Tăng cảm hóa. Kể cả khi bị yêu quái bắt giữ, Đường Tăng không những không tức giận mà còn thấy... thương cho chúng u mê bất ngộ.
Đối với đồ đệ, tuy là thầy nhưng Đường Tăng chưa bao giờ tỏ ra mình là bậc bề trên, bóc lột sức lao động hay ăn hiếp 3 sư đệ. Thay vào đó, ông luôn khuyến khích họ sống nỗ lực và kiên trì. Đường Tăng chưa từng vì Tôn Ngộ Không có phép thuật cao hơn 2 đồ đệ còn lại mà thiên vị. Mỗi người đều được ông đối xử công bằng, hợp lẽ.
3. Đường Tăng có quan hệ xã hội
Nghe qua thì vô lý nhưng thực chất nó giúp ích rất nhiều trên đường thầy trò Đường Tăng thỉnh kinh. Ban đầu, Đường Tăng được miêu tả là đệ tử của Phật Tổ, trong khi tiền thân của Tôn Ngộ Không là tự tảng đá tạo thành.
Tôn Ngộ Không nỗ lực kết giao quan hệ nhưng đều không có kết quả. Xưng huynh gọi đệ với Ngưu Ma Vương, kết cục lật mặt; làm hàng xóm với Đông Hải Long Vương nhưng lại lấy cắp đồ của người ta; ngay cả làm học trò Đường Tăng đôi khi còn bị thầy đuổi về Hoa Quả Sơn.
Trái ngược với Tôn Ngộ Không, Đường Tăng là người đi đến đâu cũng được tôn kính. Ngay cả thần tiên, thổ địa cũng phải khiêm nhường cúi đầu với ông. Những lúc đến nhà dân, Đường Tăng luôn hòa nhã, lễ độ khiến mọi người kính trọng. Từ người nghèo khổ đến vua chúa sang trọng đều muốn làm thân với Đường Tăng. Nhờ có quan hệ xã hội giúp Đường Tăng không gặp khó khăn gì ngoại trừ yêu quái.
4. Đường Tăng có tính "vô dụng"
Đây mới chính là lý do giúp các đồ đệ càng thêm phục tùng Đường Tăng. Bởi lẽ ông không có phép thuật, không có 72 phép thần thông quảng đại, chỉ là một người bình thường nên ông rất trọng người tài.
Vì không có phép thuật nên ông không có căn cứ để so sánh tài năng của người khác. Ông nhìn ai cũng sẽ thấy họ là người có năng lực, bao dung mọi khuyết điểm của các đồ đệ. Chính nhờ vậy mà 3 đồ đệ đều hết mực trung thành và tôn trọng Đường Tăng.
Ngược lại, nếu Đường Tăng là người có phép thuật thì chưa chắc một người có cái tôi lớn như Tôn Ngộ Không tình nguyện phục tùng. Nhờ sự "vô dụng" của ông mà các đồ đệ có đất dụng võ, thể hiện bản thân để hướng đến mục đích chung.
Ảnh: Tổng hợp