Tại sao các đầu bếp thường đội một chiếc mũ trắng cao dù nó có thể gây bất tiện?
Với các đầu bếp ngoài bộ đồng phục còn có một phụ kiện vô cùng quan trọng không thể thiếu đó chính là mũ bếp. Các đầu bếp chuyên nghiệp thường làm việc trong nhà và không phải tiếp xúc với ánh nắng ngoài trời. Tuy nhiên, họ luôn phải đội mũ theo quy định bắt buộc. Ở những nhà hàng cao cấp, yêu cầu này càng trở nên nghiêm ngặt hơn, áp dụng cho cả phụ bếp, đầu bếp chính và bếp trưởng. Đây không chỉ là truyền thống của ngành bếp núc toàn cầu mà còn là niềm tự hào của những người làm nghề nấu ăn.
Mũ đầu bếp có nhiều loại đa dạng nhưng được các nhà hàng ưa chuộng nhất là loại mũ đầu bếp cao màu trắng. Được biết, mũ bếp bắt nguồn từ những người đầu bếp Hy Lạp. Thời kỳ đất nước Hy Lạp rơi vào loạn lạc vì các cuộc chiến tranh, nhiều đầu bếp phải sống nương nhờ các tu viện. Tại đây, họ chỉ có cách mặc đồ đen đội mũ đen giống các tu sĩ để tránh bị phát hiện.
Những người đầu bếp đã tỏ lòng biết ơn bằng cách nấu ăn cho các tu sĩ đã giúp đỡ mình. Tuy nhiên, theo thời gian mọi người lại nhằm lẫn giữa các đầu bếp và tu sĩ, chính vì vậy để phân biệt giữa người của tu viện và những đầu bếp sống nhờ, tránh mạo phạm đến sự tôn kính, người ta đưa ra quy định đầu bếp đội mũ trắng, tu sĩ đội mũ đen. Từ đó, truyền thống đầu bếp đội mũ trắng được hình thành và lưu truyền hàng nghìn năm.
Ngoài ý nghĩa lịch sử, việc đội mũ đầu bếp còn có tác dụng giữ gìn vệ sinh. Trong ngành ẩm thực, việc tiếp xúc trực tiếp với thức ăn của người khác đòi hỏi một tiêu chuẩn vệ sinh cao nhất. Nếu như đôi tay đã được bảo vệ bằng găng tay, thì tóc lại không có biện pháp bảo vệ nào, dễ dẫn đến việc tóc, mồ hôi hay bụi bẩn rơi vào đĩa thức ăn. Đây là những điều tối kỵ đối với các đầu bếp. Việc đội mũ không chỉ tăng thêm tính chuyên nghiệp mà còn giúp đảm bảo vệ sinh cho thực phẩm.
Tại sao luôn là màu trắng?
Mũ đầu bếp có nhiều hình dạng khác nhau nhưng thường có nếp gấp, tượng trưng cho địa vị của người đầu bếp. Càng nhiều nếp gấp và mũ càng cao thì đầu bếp đó càng có tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và được kính trọng. Khi vào gian bếp, việc thợ chính và thợ phụ đều mặc đồng phục trắng giúp phân biệt rõ ràng, đặc biệt là với chiếc mũ cao, nhiều nếp gấp của bếp trưởng.
Đồng phục đầu bếp thường có nhiều điểm giống với đồng phục bác sĩ, đều là màu trắng từ đầu đến chân. Tương tự như áo blouse trắng, đồng phục trắng (bao gồm cả mũ) của đầu bếp mang lại cảm giác sạch sẽ và đáng tin cậy cho người ăn. Màu trắng cũng giúp thực khách cảm thấy thân thiện, gần gũi và ngon miệng hơn.
Hiện nay, hầu như các đầu bếp thường sử dụng màu trắng cho chiếc mũ bếp của mình vì màu trắng giúp các đầu bếp dễ dàng nhìn thấy và loại bỏ được các vết bẩn dính vào trong lúc chế biến thức ăn.
Ngày nay, mũ đầu bếp ngoài chức năng đảm bảo vệ sinh khi chế biến mà còn là biểu tượng của ngành bếp núc. Chiếc mũ được thiết kế với nhiều hình dáng, kích thước khác nhau. Thông thường có 5 loại chính:
- Dáng beret: hình trụ ngắn, vành tròn
- Mũ skull: mũ hình trụ đơn thuần
- Mũ toque: mũ xếp nếp hình ống trụ màu trắng
- Mũ Flared Toque: mũ vành tròn vừa đầu, phần trên phồng
- Mũ chef wrap: loại khăn rằng được cột khéo, chắc.
Trước đây, đầu bếp thường phải đội những chiếc mũ khá dài nhưng gây ra nhiều bất tiện, gò bó khi làm việc, cúi xuống, ngẩng lên. Dần dần, chiều cao mũ đầu bếp được hạ xuống còn khoảng hơn 20 cm.