24h
Yeah1 News

Vì sao dân gian nói "nhát gừng" mà không phải nhát riềng, nhát tỏi?

Thứ năm, 15/06/2023 | 11:38 (GMT+7)

Người Việt Nam thường có câu "ăn nói nhát gừng" ý chỉ cách nói chuyện rời rạc, lủng củng, thiếu thái độ hợp tác trong hội thoại. Nhiều người thắc mắc về nguồn gốc của câu nói này.

"Ăn nói nhát gừng" hay "nhát gừng" từ lâu đã trở thành cụm từ quen thuộc trong văn nói và văn viết của người Việt. Nhiều người cho rằng, về nghĩa bóng lẫn nghĩa đen, cụm từ này đều có liên quan đến gừng - một gia vị không thể thiếu trong đời sống hàng ngày của người châu Á nói chung và người Việt Nam nói riêng.

Gừng là một loại gia vị quen thuộc của người Việt
Gừng là một loại gia vị quen thuộc của người Việt

Theo Từ điển tiếng Việt của Trung tâm Từ điển học do Hoàng Phê chủ biên từng cắt nghĩa cụm từ "nhát gừng" là cách nói ngắn, rời rạc, tỏ ý lúng túng hoặc không muốn nói chuyện. Trong Việt-Nam tự-điển của Lê Văn Đức có viết "rời rạc, không suôn sẻ, trơn tru" là ám chỉ đến ý nghĩa của nhát gừng. Một số từ điển khác cũng cho rằng nghĩa của nhát gừng có liên quan đến cách nói chuyện ngập ngừng, ngắt quãng không rõ ràng.

Tuy nhiên, một số người thắc mắc, vì sao nói "nhát gừng" mà không phải là "nhát riềng" hay "nhát tỏi", trong khi cả gừng, riềng và tỏi đều là loại gia vị phổ biến với người Việt và ít nhiều có liên quan đến nhau?

Trong một số bài phân tích Hán ngữ cho rằng, nhát gừng mang 2 tầng nghĩa. Với tầng nghĩa đầu tiên, nó ám chỉ cách nói chuyện rời rạc, không đều - đây cũng là tầng nghĩa mà mọi người quen thuộc nhất. Trong khi đó, một tầng nghĩa khác dịch giải rằng "nhát" ý chỉ một lát cắt còn "gừng" là gia vị trong nấu ăn. 

Mứt gừng và trà gừng quen thuộc trên bàn trà của người Việt
Mứt gừng và trà gừng quen thuộc trên bàn trà của người Việt

Trên thực tế, gừng là loại gia vị không chỉ quen thuộc với căn bếp mọi nhà mà còn xuất hiện thường xuyên vào những dịp lễ Tết. Người ta thường dùng gừng để nấu trà hoặc làm mứt. Để gừng cắt lát hoặc cắt nhuyễn thành sợi, có chỗ cắt gừng thành từng lát mỏng, hành động đó gọi là "nhát dao", kết hợp cùng gừng ra cụm từ "nhát gừng".

Trong khi đó, những gia vị khác như riềng, tỏi, ớt... dù có vị cay giống gừng nhưng lại hiếm khi xuất hiện trên bàn trà của mọi người lúc trò chuyện. Nhiều người cho rằng có lẽ vì lý do này nên "nhát gừng" dần trở nên quen thuộc và dùng phổ biến hơn để ẩn ý về cách nói chuyện không suôn sẻ, trơn tru.

Gừng thường được dùng để chế biến ra nhiều hình thức món ăn khác nhau
Gừng thường được dùng để chế biến ra nhiều hình thức món ăn khác nhau

Một số ý kiến khác nói rằng "nhát gừng" xuất hiện trong từ điển tiếng Việt theo hiện tượng sự cố ngôn ngữ. Hiện tượng này xảy ra khi hình thức ngữ âm hoặc nội dung ngữ nghĩa của từ bị "trật đường ray" lệch hẳn so với bản gốc ban đầu của nó. Cụ thể, họ nói rằng "nhát gừng" ban đầu vốn là "nhát ngừng" được cấu tạo từ "nhát" trong nhút nhát, còn "ngừng" trong ngập ngừng. Thế nhưng theo thời gian và sự truyền miệng, cụm từ này được phát âm thành "nhát gừng" để nghe thuận tai và dễ đọc hơn.

Ảnh: Tổng hợp

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news
Từ khóa: nhát gừng   vì sao   tiếng việt   gừng  

Cùng chuyên mục