1 nghìn được viết là 1K, 100 nghìn là 100K,... Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu ý nghĩa của chữ K trong các ký hiệu này.
Tại sao gọi 1 nghìn là 1K?
Nhiều người, đặc biệt là thế hệ trẻ, thường sử dụng chữ "k" thay cho ký hiệu tiền. Ví dụ, 200k có nghĩa là 200.000 VND, 20k là 20.000 VND… Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu tại sao "1k" lại tương đương với 1000.
Thực tế, chữ "K" đứng sau một số là viết tắt của từ kilo, một tiền tố được dùng trước đơn vị đo lường quốc tế để chỉ bội số lớn gấp 10^3 hay 1.000 lần.
Chữ K xuất phát từ đâu?
Tiền tố "kilo" có nghĩa là "nghìn" và có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp. Năm 1795, tiền tố này được nhóm nghiên cứu của nhà hóa học Pháp Antoine Lavoisier công nhận, và đến năm 1799, nó chính thức được đưa vào hệ mét tại Pháp. Ví dụ, 1.000m tương đương với 1km.
Bội số "kilo" còn được sử dụng trong các đơn vị đo lường khác như kilogram, kilobyte...
Ngoài ra, năm 2000 đã xảy ra một sự kiện nghiêm trọng ảnh hưởng đến hàng triệu máy tính trên toàn cầu. Trước đó, để đơn giản hóa, những người lập trình hệ thống chỉ sử dụng 2 con số cuối để biểu thị năm. Ví dụ, 1999 được ghi là 99, và 1900 là 00. Tuy nhiên, khi đến năm 2000, máy tính sẽ hiểu rằng năm 2000 là năm 1900 vì hai số cuối giống nhau.
Điều này đã dẫn đến việc các máy tính sử dụng hàm năm (YEAR) sẽ hoạt động sai lệch, gây ra những hậu quả khó lường. Do đó, để khắc phục lỗi lập trình này, một chiến dịch toàn cầu đã được phát động nhằm yêu cầu nhập đủ 4 chữ số của năm vào máy tính. Sự kiện này được gọi là Y2K (sự cố năm 2000).
Vì những lý do trên, hiện nay một số người thường dùng bội số kilo để biểu thị đơn vị khác nhau với tỷ lệ 1000 lần, hay hiểu đơn giản là sử dụng chữ K thay cho ba số 0 (000).