24h
Yeah1 News

Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước, nhưng suốt 500 năm không ai dám uống, phải lấy nước bên ngoài vào cung?

Chủ nhật, 26/05/2024 | 17:03 (GMT+7)

Trong Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước lớn nhỏ khác nhau, nhưng tuyệt nhiên không ai dám uống nước ở đây. Lý do thực sự là gì?

Tử Cấm Thành hay còn có tên gọi khác Cố cung nằm ở Bắc Kinh (Trung Quốc), là một khu di tích lịch sử gắn liền với nhiều triều đại vua chúa Trung Hoa. Tử Cấm Thành có diện tích lên đến 720.000m2 gồm 980 cung điện và 9.990 căn phòng với kết cấu bên trong vô cùng tinh xảo.

Bên cạnh sự hùng vĩ và tráng lệ khiến bất kỳ ai đặt chân đến đây đều phải ngỡ ngàng, những câu chuyện xoay quanh Tử Cấm Thành vẫn luôn thu hút đông đảo du khách quốc tế. Một trong số đó là chuyện khu vực Tử Cấm thành có hơn 70 giếng nước lớn nhỏ khác nhau, nhưng không ai dám uống, phải vận chuyển nước từ bên ngoài vào cung. Điều này khiến nhiều người tò mò và đặt ra câu hỏi vì sao?

Tử Cấm Thành được xem là biểu tượng về quyền lực, sự xa hoa của các hoàng đế Trung Quốc
Tử Cấm Thành được xem là biểu tượng về quyền lực, sự xa hoa của các hoàng đế Trung Quốc
Giếng nước lớn nhỏ trong Tử Cấm Thành cũng phải tới hơn 70 cái
Giếng nước lớn nhỏ trong Tử Cấm Thành cũng phải tới hơn 70 cái

Hiện nay, có nhiều nguồn thông tin được đưa ra, nhưng hầu hết đều đồng ý về lý do giải thích tại sao nước giếng trong Tử Cấm Thành không thể uống được như sau:

1. Giếng được dùng để phòng khi hỏa hoạn

Theo "Minh sử ký", vào năm Gia Tĩnh thứ 36 và năm Vạn Lịch thứ 25, Tử Cấm Thành đã xảy ra những trận hỏa hoạn lớn, thiêu rụi nhiều cung điện và gây thiệt hại nghiêm trọng. Do đó, theo các chuyên gia, việc xây dựng và tái thiết các công trình tốn kém khiến các quan quản lý phải chú trọng hơn đến công tác phòng cháy chữa cháy. Nước trong giếng trở nên rất hữu ích trong những tình huống này. Vì vậy, người ta cho rằng giếng nước trong Tử Cấm Thành chỉ được sử dụng để dập lửa khi xảy ra hỏa hoạn.

Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước, nhưng suốt 500 năm không ai dám uống, phải lấy nước bên ngoài vào cung? - ảnh 3

2. Sợ có oan hồn người chết

Một lý do khác khiến các giếng nước ở Tử Cấm Thành trở thành nỗi ác mộng của những người trong cung là vì nơi đây gắn với nhiều cái chết uẩn khuất. Không ít cung nữ, thái giám bị ám hại và bị đẩy xuống giếng, đến những quý phi vì bị thất sủng, vì bế tắc mà chọn nơi đây để kết liễu sinh mạng, chấm dứt một phận đời bạc bẽo.

Tử Cấm Thành trở thành nỗi ác mộng của những người trong cung là vì nơi đây gắn với nhiều cái chết uẩn khuất.
Tử Cấm Thành trở thành nỗi ác mộng của những người trong cung là vì nơi đây gắn với nhiều cái chết uẩn khuất.

Sự tích "Giếng Trân Phi" là một trong những cái giếng vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay và trở thành một trong những điểm thu hút khách du lịch nổi tiếng nhất trong Tử Cấm Thành. Theo "Nhật ký của Gia Sơn", một vị quan của Tử Cấm Thành đã ghi lại câu chuyện rằng, khi liên quân 8 nước đánh chiếm Bắc Kinh vào tháng 5/1900, Tử Cấm Thành trở nên hỗn loạn, một số cung nữ, phi tần sợ bị làm nhục nên nhảy xuống giếng tự vẫn. Hơn nữa trước khi tháo chạy khỏi Tử Cấm Thành, Từ Hi Thái Hậu đã sai người ném Trân Phi, quý phi được vua Quang Tự yêu quý nhất, xuống giếng. Chiếc giếng nơi Trân Phi bị ném xuống sau này đổi tên thành Giếng Trân Phi.

Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước, nhưng suốt 500 năm không ai dám uống, phải lấy nước bên ngoài vào cung? - ảnh 5

Bi kịch của Trân Phi là điển tích phũ phàng thường thấy trong lịch sử hàng trăm năm phong kiến. Ở đó có những cuộc tranh giành quyền lực “máu lửa” và vô số người được cho là đã bỏ mạng ở những giếng nước này.

3. An toàn tính mạng

Thời xưa nước giếng trong Tử Cấm Thành không được sử dụng một phần cũng vì lý do an toàn tính mạng. Theo đó, nếu ai đó đầu độc một giếng, hàng chục giếng khác trong Tử Cấm Thành cũng sẽ bị nhiễm độc vì chúng thông nhau. Các giếng này cũng thông với sông Ngự bên ngoài kinh thành.

Ngoài ra, theo ghi chép trong sử sách cổ thì vào thời nhà Minh, Vạn Quý phi - sủng phi của Minh Hiển Tông đã hạ độc xuống giếng để ổn định địa vị của mình trong cung. Những vị phi tần trong hậu cung đã uống phải nước giếng sau đó người thì vô sinh, người đang mang thai bỗng nhiên bị sảy.

Người trong cung lại không dùng nước ở giếng để uống mà lấy nước được chuyển từ ngoài vào
Người trong cung lại không dùng nước ở giếng để uống mà lấy nước được chuyển từ ngoài vào

Chính vì vậy, chất lượng nước cũng được cho là lý do có cơ sở giải thích vì sao người trong cung không sử dụng nước giếng để uống. Nguyên nhân là quanh Tử Cấm Thành có sông Ngự chứa nhiều nguồn rác thải và chất gây hại ngấm sâu xuống lòng đất khiến cho nước ở xung quanh đều bị nhiễm độc không thể uống. Tuy rằng không thể uống, nhưng người trong cung vẫn sử dụng nước giếng để dọn dẹp lăng tẩm, cung điện.

4. Sử dụng nước ở núi Ngọc Tuyền

Tác giả Tử Kha, trong cuốn “Tuyển tập truyện nhỏ thời nhà Thanh” có viết rằng: “Người trong Kinh thành muốn uống nước thì chỉ dùng nước ở núi Ngọc Tuyền”.

Các chuyên gia nghiên cứu đã phát hiện ra rằng vào thời nhà Thanh, hầu như toàn bộ nước dùng trong Tử Cấm Thành đều được vận chuyển từ núi Ngọc Tuyền. Theo đó, Hoàng đế Càn Long đã tiến hành kiểm tra so sánh nhiều nguồn nước và kết luận rằng nước suối ở núi Ngọc Tuyền là thích hợp nhất để sử dụng trong cung đình, còn nước giếng là nước cứng (loại nước chứa hàm lượng khoáng chất cao, chủ yếu là Canxi và Magie) nên uống sẽ không tốt cho sức khỏe.

Tử Cấm Thành có hơn 70 giếng nước, nhưng suốt 500 năm không ai dám uống, phải lấy nước bên ngoài vào cung? - ảnh 7
Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục