Những năm gần đây, tỉnh Hà Giang luôn lo lắng về tình trạng điểm thi tốt nghiệp THPT liên tục "đội sổ" toàn quốc. Thực trạng khiến các giáo viên địa phương lo lắng.
Sau khi kết thúc thi tốt nghiệp THPT 2023 và công bố điểm thi, hiện tại, các trường đại học trên toàn quốc đã bắt đầu công tác tuyển sinh và làm thủ tục nhập học. Tuy nhiên, vấn đề điểm thi tốt nghiệp vẫn là một bài toán khó đối với nhiều địa phương, đặc biệt là tỉnh thành có điểm thi tốt nghiệp thấp nhất cả nước.
Năm 2023, tỉnh Vĩnh Phúc là nơi dẫn đầu điểm thi tốt nghiệp THPT với điểm số trung bình đạt 7,219 điểm. Hai tỉnh thành có điểm thi tốt nghiệp cao thứ 2 và thứ 3 lần lượt là Bình Dương (7,161 điểm) và Nam Định (7,109 điểm).
Trong khi đó, tỉnh có điểm thi tốt nghiệp thấp nhất cả nước năm nay là tỉnh Hà Giang với 5,598 điểm. Được biết, năm 2022, tỉnh Hà Giang cũng có điểm số không khả quan khi "đội sổ" với 5,41 điểm. Không chỉ 2 năm gần đây mà năm 2021 và năm 2020, tỉnh Hà Giang ghi nhận số điểm rất thấp, có thể nói là thấp nhất Việt Nam trong cả mùa thi tốt nghiệp.
Thực trạng điểm thi tốt nghiệp THPT liên tiếp 4 năm "đội sổ" khiến các cán bộ giáo dục, thầy cô trong nghề dạy học ở tỉnh Hà Giang lo lắng. Từ góc nhìn của một chuyên gia, cô giáo dạy trường chuyên ở Hà Giang chia sẻ, phần lớn ở tỉnh Hà Giang, tỷ lệ học sinh ở vùng nông thôn và vùng núi chiếm đa số. Điều kiện đi học thiếu thốn, khó khăn, việc đọc hiểu tiếng Việt đã không dễ huống chi là làm Toán hay học Tiếng Anh.
Ngoài ra, ở các tỉnh thành khác, thí sinh thường sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để dùng cho 2 mục đích, trong đó có việc học đại học. Trong khi ở Bắc Kạn, có khoảng 76,5% thí sinh dùng điểm thi tốt nghiệp để xét cho 2 mục đích thì con số này ở Hà Giang chỉ có khoảng 63%.
Ngoài ra, trong những năm gần đây, việc tuyển giáo viên đến làm việc ở các vùng nông thôn tỉnh Hà Giang cũng gặp nhiều trở ngại vì không có nhân sự. Đội ngũ giáo viên ít và hạn chế đã làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục của địa phương. Những trường ở khu vực miền núi xa xôi rất khó thu hút giáo viên, chưa kể đến những giáo viên giỏi, có kinh nghiệm giảng dạy tốt chỉ đếm trong quá 2 đầu ngón tay.
Nhiều thí sinh là con em thuộc đồng bào các dân tộc thiểu số vẫn chưa có ý thức rõ ràng về tầm quan trọng của việc theo đuổi con chữ. Bên cạnh những đặc thù khó khăn về điều kiện vật chất, làm sao để dạy học, nhất là các môn như Tiếng Anh cho học sinh thuộc dân tộc thiểu số ở tỉnh Hà Giang không phải chuyện dễ dàng.