Việc chi tiêu thế nào để gói gọn trong 5-6 triệu đồng/tháng ở các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội là vấn đề đau đầu của nhiều người.
Thời điểm hiện tại được xem là thời kỳ "bão giá" khi có nhiều hàng hóa có mức giá tăng vọt khiến việc chi tiêu sao cho hợp lý cũng trở nên đau đầu. Theo đó, nhiều người - đặc biệt là các bạn trẻ mới ra trường có mức lương dao động khoảng 10 triệu đồng cũng băn khoăn làm sao để gói gọn trong việc chi tiêu.
Một số bạn trẻ cũng tiết lộ cách chi tiêu sao cho vẫn hoàn toàn đủ trong 5-6 triệu đồng và "sống khỏe" ở những thành phố có mức sống cao như TP.HCM. Mỹ An - một sinh viên vừa ra trường cho hay, dù tốt nghiệp rơi vào mùa dịch và gặp nhiều khó khăn nhưng bằng cách phân bổ chi tiêu rõ ràng, chủ động điều chỉnh mỗi tháng mà cô vẫn có thể "sống khỏe" với công việc mức lương 10 triệu đồng.
Theo đó, Mỹ An tiết lộ: "Lương 10 triệu, mình chắc chắn luôn dành 30% là 3 triệu đồng cho việc tiết kiệm và không bao giờ động đến. Sau đó, mình chi tiền nhà 3 triệu đồng, 2 triệu đồng còn lại chi tiêu cho việc ăn uống thiết yếu, chủ yếu là mua thực phẩm tích trữ và tự nấu ăn, 1 triệu đồng còn lại là tiền xăng, xe, chi phí sinh hoạt khác và 1 triệu nếu không mua sắm gì có thể cất chung vào tiền tiết kiệm".
Một sinh viên khác đang vừa học vừa làm trong năm học cuối là Thùy Linh cho biết, nhờ việc không nhu cầu ra ngoài vui chơi quá nhiều nên cô bạn dễ dàng gói gọn chi phí 5 - 6 triệu đồng chỉ cho tiền thuê nhà, ăn uống và các nhu cầu thiết yếu khác.
Theo Dân trí, báo cáo từ Credit Karma đã cho thấy thế hệ Gen Z hiện tại đang gánh khoản nợ trung bình lên tới 16.283 USD trong quý 3/2022. Đây được cho là mức tăng lớn nhất từ trước đến nay. Theo trang phân tích dữ liệu về chỉ số chi phí sinh hoạt, chất lượng cuộc sống toàn thế giới Numbeo , Việt Nam có chỉ số chi phí sinh hoạt cao xếp thứ 26 trong 44 quốc gia thuộc khu vực Châu Á. Đây cũng là lý do mà nhiều người nỗ lực tìm cách cắt giảm chi phí sinh hoạt và ổn định cuộc sống trong thời "bão giá".
Ảnh: tổng hợp