Để tiết kiệm điện không chỉ cần tắt các thiết bị điện đang sử dụng mà còn phải ngắt nguồn. Nhiều người lầm tưởng khiến hóa đơn điện cuối tháng tăng chóng mặt.
Thiết bị điện - lạnh là một trong những nhu cầu không thể thiếu trong cuộc sống hiện đại. Những thiết bị như tủ lạnh, điều hòa, tivi, nồi cơm điện, máy giặt... sẽ giúp sinh hoạt của con người trở nên dễ dàng hơn. Tuy nhiên, đặc trưng của thiết bị điện thường rất tốn kém. Nhiều hộ gia đình thậm chí dùng mọi cách tiết kiệm điện nhưng vẫn đối diện với hóa đơn tăng vọt.
Một trong những lý do khiến tiền điện của nhiều gia đình tăng cao, bất chấp việc họ đã sử dụng tiết kiệm điện là do những thói quen sai lầm. Nhiều người dân thường cho rằng, khi không cần sử dụng thiết bị, chỉ cần bấm nút tắt trên thiết bị đó là xem như ngắt nguồn. Trên thực tế, các chuyên gia chỉ ra rằng, những thiết bị không rút phích cắm điện mà chỉ ấn nút "off" (tắt) trên bảng điều khiển vẫn âm thầm sử dụng điện năng trong gia đình.
1. Điều hòa
Điều hòa là thiết bị gây tiêu tốn điện năng khá lớn trong mỗi gia đình. Tuy nhiên, điều hòa lại là thứ không thể thiếu trong cuộc sống, nhất là khi tình trạng nóng lên ở các quốc gia trong năm nay. Nhiều người có thói quen bật điều hòa khi trời nóng, đến khi nhiệt độ trong phòng mát mẻ thì họ sẽ tắt điều hòa để tiết kiệm điện.
Tuy nhiên, việc bật tắt điều hòa liên tục sẽ có tác dụng ngược, khiến điện năng tiêu tốn nhiều hơn vì phải vận hành lại thiết bị. Cách tiết kiệm điện khi sử dụng điều hòa hiệu quả là nên giữ nhiệt độ điều hòa, ổn định, không nên bật tắt thường xuyên.
Một "mẹo" sử dụng điều hòa tiết kiệm là trong khoảng thời gian nghỉ, khi tắt điều hòa thì nên ngắt luôn nguồn điện cắm điều hòa, không nên chỉ ấn nút tắt trên điều khiển vì thực tế điều hòa vẫn đang âm thầm sử dụng điện năng trong gia đình.
2. Máy nóng lạnh
Tương tự như điều hòa, các gia đình có xu hướng lắp đặt máy nóng lạnh để có thể sử dụng nước nóng, lạnh thoải mái. Tuy nhiên, mọi người thường "ngó lơ" việc tắt nguồn của máy nóng lạnh khi không sử dụng. Nguyên nhân do họ lười hoặc cảm thấy không cần thiết nếu tần suất sử dụng liên tục.
Trên thực tế, việc để nguồn điện máy nóng lạnh duy trì trong thời gian không cần thiết sẽ khiến thiết bị sử dụng nhiều điện năng. Vì vậy, nếu không dùng máy nóng lạnh, hãy tắt nguồn điện để tiết kiệm điện ít nhất cũng từ vài trăm ngàn đến cả triệu một tháng.
3. Tivi
Mỗi khi không xem tivi, mọi người thường nhấn nút tắt trên điều khiển. Tuy nhiên, điều này không hề tiết kiệm điện. Thiết bị phát sóng vẫn đang sử dụng nguồn điện trong gia đình để duy trì chế độ "ngủ". Nếu muốn tiết kiệm điện hiệu quả, khi không xem tivi, hãy rút phích cắm để ngắt nguồn điện hoàn toàn. Nếu làm theo cách này, trung bình mỗi tháng, mỗi hộ gia đình có thể tiết kiệm vài trăm ngàn tùy theo mức độ sử dụng.
4. Nồi cơm điện
Đây là thiết bị điện gây tranh luận nhiều nhất khi được liệt kê vào danh sách những thiết bị tiêu tốn điện năng trong âm thầm. Thông thường, nhiều người cho rằng nồi cơm điện có kích thước nhỏ, sử dụng đơn giản nên sẽ tốn ít điện năng. Trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại.
Để có thể nấu chín cơm trong thời gian ngắn, nồi cơm điện phải sử dụng một lượng điện năng khá lớn. Sau khi cơm chín, nhiều gia đình có thói quen giữ nồi cơm điện ở chế độ hâm nóng thức ăn để giữ nhiệt mà không biết rằng đây là nguyên nhân chủ yếu khiến hóa đơn điện cuối tháng tăng vọt. Chính vì vậy, các chuyên gia điện khuyên rằng, hãy canh thời gian để nấu cơm hợp lý, sau cho khi cơm vừa chín thì có thể rút phích cắm và dùng ngay, đảm bảo không hao tổn nhiều điện năng.
Ảnh: Tổng hợp