Thái giám thời xưa thường mang theo cây phất trần khư khư bên người. Vậy cây phất trần có công dụng gì?
Nếu bạn đã từng xem các bộ phim cổ trang của Trung Quốc, chắc hẳn không ít lần bạn bắt gặp hình ảnh thái giám trong cung thường cầm trên tay một cây phất trần. Công việc phục vụ các vị chủ tử rất bận rộn nhưng trên tay của nhiều thái giám luôn cầm theo một cây phất trần. Vậy cây phất trần này có tác dụng gì mà các thái giám luôn mang theo bên mình?
Thái giám cầm phất trần là do ảnh hưởng của tạo hình trong Kinh kịch và tuồng Quảng (hai loại hình văn hóa nổi tiếng của Trung Quốc). Trong các vở diễn này, thái giám là vai diễn có phục trang và lối vẽ mặt giống các vai khác, vì vậy họ được cho cầm cây phất trần để giúp khán giả dễ phân biệt nhân vật.
Trong dân gian, phất trần thường được làm bằng gỗ, dài khoảng 50 cm, một đầu gắn sợi đay hoặc lông thú, và thường được dùng để lau dọn, đuổi côn trùng. Cây phất trần của các thái giám thì được trang trí cầu kỳ hơn. Thời phong kiến, thái giám là người hầu hạ, gánh vác các công việc lớn nhỏ trong cung và quét dọn bụi bặm cũng nằm trong số đó. Vì vậy, họ cần một vật dụng vừa nhẹ, vừa không quá vướng víu để có thể dễ dàng lấy ra dọn dẹp cung điện. Và cây phất trần chính là thứ phù hợp nhất.
Các thái giám dùng cây phất trần để phủi bụi bẩn, vệ sinh đồ đạc ở những nơi hoàng đế sắp ghé qua. Trong trường hợp trên người hoàng đế có vết bẩn hay bụi thì thái giám cũng dùng cây phất trần để làm sạch, tuyệt đối không được phép dùng tay.
Ngoài ra, cây phất trần còn có nhiều công dụng khác nữa. Ở trong cung có rất nhiều thái giám và không phải thái giám nào cũng được cầm cây phất trần. Thực tế thì chỉ có thái giám cấp cao và trung ở kề cận với hoàng đến mới được sử dụng. Lý do là cây phấn trần còn là nghi trượng của các thái giám.
Vốn dĩ nghi trượng là khí cụ dành cho đội thị vệ và những người ở cạnh hoàng đế khi tuần hành như vũ khí, quạt, dù, cờ,… Vì vậy phất trần của các thái giám cũng được phân chia khác nhau. Phất trần càng cao cấp thì thân phận của thái giám càng cao quý. Phất trần cao cấp thường được làm từ gỗ trầm hương và lông đuôi ngựa hoặc lông đuôi hươu, loại kém hơn chỉ làm từ vật liệu gỗ thông thường.
Trong trường hợp khẩn cấp, cây phất trần còn dùng như một vũ khí tạm thời. Ở những tình huống nguy hiểm như khi có thích khách xuất hiện thì những thái giám cầm phất trần sẽ dùng chúng làm vũ khí chống trả, kéo dài thời gian để các thị vệ có thể ứng cứu.
Ngoài ra, cây phất trần còn được coi như một lời nhắc nhở dành cho các thái giám. Họ là những người thường xuyên kề cận phi tần và cung nữ trong hậu cung. Để đảm bảo họ không làm ra chuyện gì không phù hợp, người ta đã nghĩ ra cách cầm phất trần trên tay. Trong Đạo giáo và Phật giáo, phất trần còn có ý nghĩa đoạn tuyệt hồng trần. Khi cầm phất trần trên tay thái giám sẽ quên đi mọi tâm tư không đứng đắn.
Điều cuối cùng, cây phất trần còn là món pháp khí, thái giám cầm pháp khí đi theo sau hoàng đế hoặc các phi tần, có thể xua đuổi vận đen và mang lại may mắn cho hoàng đế. Theo thời gian, cây phất trần trở thành một công cụ cần thiết cho các thái giám. Sau này vì tính năng và độ thông dụng, cây phất trần còn được dùng làm chiếc roi phạt những ai vi phạm phép tắc trong cung. Trong hậu cung, nếu có người không giữ gìn phép tắc cũng có thể bị các thái giám dùng phất trần để trị tội.