Tết là thời điểm nhiều người tụ tập chơi bài mỗi khi rảnh, song năm nay nếu cho người khác vào nhà đánh bài “vui” dù với mệnh giá nhỏ 1.000 -2.000 đồng/lá cũng có thể bị phạt.
Thông thường vào dịp Tết Nguyên Đán ở nhiều gia đình mọi người thường tập hợp lại với nhau để chơi đánh bài ăn tiền. Phần lớn các thành viên khi tham gia chỉ nghĩ đây là cách giải trí thông thường, mua vui dịp đầu xuân năm mới, việc cược tiền chỉ tăng thêm tính hấp dẫn chứ không liên quan đến pháp luật. Nhiều người nghĩ rằng cho người khác đánh bài trong nhà mình sẽ không sau miễn là mình không đánh.
Thế nhưng, hành vi đánh bài ăn tiền là một hành vi vi phạm pháp luật. Dù là ngày lễ, ngày Tết hay ngày thường thì đều bị xử lý theo đúng quy định. Chính vì vậy, việc cho người khác đánh bài ăn tiền trong nhà mình cũng là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất mức độ của hành vi có thể bị xử phạt khác nhau.
Người tham gia đánh bài trái phép, đá gà trái phép bị xử phạt hành chính như thế nào?
Căn cứ khoản 2 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định về việc xử phạt hành vi đánh bạc, đá gà trái phép cụ thể như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
2. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Đánh bạc trái phép bằng một trong các hình thức như xóc đĩa, tá lả, tổ tôm, tú lơ khơ, tam cúc, 3 cây, tứ sắc, đỏ đen, cờ thế, binh ấn độ 6 lá, binh xập xám 13 lá, tiến lên 13 lá, đá gà, tài xỉu hoặc các hình thức khác với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật;
b) Đánh bạc bằng máy, trò chơi điện tử trái phép;
c) Cá cược trái phép trong hoạt động thi đấu thể thao, vui chơi giải trí hoặc các hoạt động khác.
Hiện nay, pháp luật không nghiêm cấm hoàn toàn hành vi đánh bài, mà chỉ nghiêm cấm đối với việc đánh bài ăn tiền hoặc bằng những tài sản khác.
Như vậy, việc đánh bài, đá gà giải trí trong dịp Tết nguyên đán không vi phạm pháp luật nhưng hành vi đánh bài, đá gà trái phép với mục đích được, thua bằng tiền, tài sản, hiện vật trong dịp tết là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng.
Lưu ý: Mức phạt này là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt đối với tổ chức là gấp đôi
Người che giấu hành vi đánh bài, đá gà trái phép có bị xử phạt không?
Căn cứ khoản 3 Điều 28 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm như sau:
Hành vi đánh bạc trái phép
3. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong những hành vi sau đây:
a) Nhận gửi tiền, cầm đồ, cho vay trái phép tại sòng bạc, nơi đánh bạc khác;
b) Bán số lô, số đề, bảng đề, ấn phẩm khác cho việc đánh lô, đề, giao lại cho người khác để hưởng hoa hồng;
c) Giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép;
d) Bảo vệ các điểm đánh bạc trái phép;
đ) Chủ sở hữu, người quản lý máy trò chơi điện tử, chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử hoặc các cơ sở kinh doanh, dịch vụ khác thiếu trách nhiệm để xảy ra hoạt động đánh bạc ở cơ sở do mình quản lý.
Như vậy, người giúp sức, che giấu việc đánh bạc trái phép sẽ bị phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.