Tiết lộ tên được đặt phổ biến ở nhiều địa phương của Việt Nam nhưng 100% không có ở phía Bắc khiến nhiều người không khỏi thắc mắc.
Châu Thành là tên huyện được sử dụng nhiều nhất ở Việt Nam, với tổng cộng 11 huyện mang tên này. Phần lớn các huyện có tên Châu Thành đều nằm ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Các tỉnh sử dụng tên Châu Thành cho huyện của mình bao gồm: Tây Ninh, An Giang, Tiền Giang, Long An, Trà Vinh, Sóc Trăng, Hậu Giang (huyện Châu Thành, huyện Châu Thành A), Bến Tre, Đồng Tháp và Kiên Giang.
Chưa kể là còn có hai huyện Châu Thành Đông, Châu Thành Tây của tỉnh Cửu Long được đặt sau năm 1975. Và có thêm 3 thị trấn Châu Thành thuộc huyện Châu Thành của Tây Ninh, Bến Tre, Trà Vinh. Lại còn có ấp Châu Thành, xã An Ninh, huyện Châu Thành (Sóc Trăng), nơi có chợ Bố Thảo.


Có hai lý do để giải thích tại sao các tỉnh miền Nam thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long thường có tên Châu Thành. Thứ nhất, theo nghĩa tiếng Hán, Châu Thành có nghĩa là bao quanh thành phố, do đó các huyện có tên Châu Thành thường nằm ở thị xã hoặc thành phố của tỉnh. Thứ hai, cách giải thích này dựa trên phương ngữ Nam Bộ, được ghi chép và chú giải dựa trên cuộc sống hiện tại.

Theo đó, trên 1 bài viết có tên Giải mật những địa danh kỳ lạ - Đất Châu Thành nam thanh nữ tú được đăng trên Báo Tuổi Trẻ vào năm 2021, tác giả Nguyễn Thanh Lợi có giải thích về địa danh này như sau: “Ban đầu “châu thành” chỉ các trung tâm hành chính, nơi có chợ búa, các cơ quan của hạt tham biện trú đóng. Sau khi thành lập các thị xã với chức năng “tỉnh lỵ”, nó chiếm một phần diện tích của “châu thành”, phần diện tích còn lại vẫn giữ tên cũ là quận Châu Thành và sau này là huyện Châu Thành”.

Từ những năm 1800, Châu Thành cũng được sử dụng như 1 danh từ để chỉ những khu vực trung tâm của 1 địa giới hành chính, có cấp tương đương với huyện (theo Địa chí Long An). Cho đến năm 1992, Châu Thành của Long An mới trở thành 1 danh từ riêng.
Tuy nhiên, huyện "Châu Thành" ở mỗi tỉnh lại có nét độc đáo và ý nghĩa rất riêng đối với người dân miền Tây sông nước này.
- Châu Thành - Tiền Giang nổi tiếng với Trại rắn Đồng Tâm của Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9.
- Ở huyện Châu Thành - Long An nổi tiếng với Lễ hội làm chay.
- Tại Trà Vinh, huyện Châu Thành nổi tiếng với ngôi chùa Hang - Chùa Kompông Chrây với lối kiến trúc độc đáo, trông như vòm hang động. Hằng năm đây là một trong những điểm thu hút khách du lịch của tỉnh Trà Vinh.

- Châu Thành - Bến Tre có cây cầu Rạch Miễu nằm bắc qua đôi bờ sông Tiền được khánh thành năm 2009, có tổng chiều dài toàn tuyến hơn 8.300 m. Công trình giao thông ý nghĩa này thay thế bến phà Rạch Miễu lịch sử hoạt động cả trăm năm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực ĐBSCL.
- Huyện Châu Thành - Đồng Tháp, chùa Phước Kiển tuy nhỏ bé khiêm tốn song lại khá nổi tiếng với những lá sen khổng lồ, vì thế nơi đây còn có tên khác là chùa Lá Sen. Người dân thường gọi giống sen cho lá to lớn, kỳ lạ ở chùa Phước Kiển là sen vua... Đến đây, du khách có thể đứng, ngồi trên những lá sen giữa một ao sen mênh mông bát ngát.

- Đến với huyện Châu Thành - Kiên Giang nơi đây từ lâu nổi danh với thương hiệu khóm Tắc Cậu có vị thanh ngọt đặc trưng. Từ khóm (dứa, thơm), người dân địa phương đã chế biến nên nhiều món ngon như nước ép khóm, mứt khóm, bánh khóm, khóm sấy dẻo...