24h
Yeah1 News

Quy tắc sống còn khi gặp sự cố thang máy, nếu thang máy cúp điện nên làm gì an toàn?

Thứ sáu, 09/06/2023 | 18:06 (GMT+7)

Nếu thang máy quá tải hoặc cúp điện đột ngột sẽ khiến thiết bị dừng hoạt động đột ngột. Vậy người mắc kẹt bên trong nên xử lý thế nào để đảm bảo an toàn?

Thang máy tạm dừng hoạt động đột ngột luôn là nỗi lo của rất nhiều người sống ở chung cư hay đi làm trong các tòa nhà cao tầng sử dụng thang máy để di chuyển. Đặc biệt, thời gian gần đây, việc nhiều hộ dân bị cúp điện đột ngột khiến thang máy không thể sử dụng, đứng sững giữa các tầng gây không ít hoang mang, nhất là những gia đình có con nhỏ thường di chuyển bằng thang máy.

Nếu gặp sự cố thang máy cần hết sức bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn
Nếu gặp sự cố thang máy cần hết sức bình tĩnh xử lý theo hướng dẫn

Dưới đây là những quy tắc sống còn mà Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ khuyên người dân nên làm theo nếu lỡ gặp sự cố thang máy:

1. Khi gặp sự cố thang máy, cần hết sức giữ bình tĩnh, không được hoang mang, hoảng loạn

Sự cố thang máy xảy ra bất ngờ không nằm trong dự tính của mọi người. Khi sự cố đột ngột xảy ra, người đang mắc kẹt bên trong chắc chắn sẽ mất bình tĩnh. Một số người còn rơi vào trạng thái hoảng loạn, la hét vì không biết xử lý như thế nào.

Bé gái bình tĩnh trấn an các bạn trong một vụ mắc kẹt trong thang máy
Bé gái bình tĩnh trấn an các bạn trong một vụ mắc kẹt trong thang máy

Thế nhưng thang máy là không gian hẹp, nếu không giữ được bình tĩnh, la hét trong hoảng loạn sẽ khiến không khí càng trở nên ngột ngạt, khó thở, lượng ô xy giảm nhanh, trẻ nhỏ và người già có bệnh về tim mạch, huyết áp rất dễ ngất xỉu. 

Người mắc kẹt trong thang máy nên hít thở sâu, hạ thấp trọng tâm bằng cách ngồi xuống hoặc hơi khuỵa gối, nắm chắc tay vịn, đặc biệt là khi thang máy có hiện tượng "rơi tự do", rung lắc để đề phòng va đập, chấn thương.

2. Khi gặp sự cố thang máy, nên bấm nút chức năng của thang

Nếu thang máy đã bước vào trạng thái ổn định, cân bằng, lúc này, người bên trong bấm vào nút mở cửa. Nếu cửa mở, người bên trong lần lượt bước ra ngoài một cách cẩn thận. Trước khi ra ngoài, cần quan sát trước không gian xung quanh, tránh trường hợp thang máy dừng giữa 2 tầng dễ gây nguy hiểm.

Bấm nút báo hiệu để cầu cứu người bên ngoài
Bấm nút báo hiệu để cầu cứu người bên ngoài

Trong trường hợp bấm cửa thang máy vẫn không mở, người bên trong cần nhấn nút khẩn cấp (thường có hình cái chuông màu đỏ hoặc hình tai nghe điện thoại) để báo động với bên ngoài. Lúc bấy giờ, người bên ngoài sẽ nghe báo động và hô lớn để tìm vị trí thang máy đang mắc kẹt ở tầng nào. Nếu nghe thấy tiếng người gần mình thì nên đáp lại để người bên ngoài biết đã tìm đúng vị trí thang máy mắc kẹt.

3. Chèn cửa tạo khe thoáng để bổ sung không khí vào thang máy

Tìm cách cạy ra một khe hở nhỏ để không khí lưu thông, nên hạ thấp trọng tâm để tránh hiện tượng va chạm nếu thang máy rơi tự do
Tìm cách cạy ra một khe hở nhỏ để không khí lưu thông, nên hạ thấp trọng tâm để tránh hiện tượng va chạm nếu thang máy rơi tự do

Như đã nói ở trên, không gian trong thang máy rất hẹp , lượng ô xy không đủ nếu số lượng người mắc kẹt quá đông . Vì vậy cần bổ sung lượng ô xy mới càng sớm càng tốt. Bằng cách cạy khe cửa thang máy, tạo ra một lỗ nhỏ có thể giúp không khí bên trong và bên ngoài được lưu thông tốt hơn. Trường hợp trong thang máy có sóng điện thoại thì nên gọi ngay cho đường dây nóng (hotline) hoặc gọi cho người đến ứng cứu kịp thời.

4. Tuyệt đối không thoát nạn qua cửa nóc thang máy

Đây là điều nghiêm cấm nếu gặp sự cố thang máy. Mọi người không nên tìm cách mở cửa từ trên nóc thang máy vì rất nguy hiểm. Nếu sức nặng bên trên đè xuống thang máy, cộng thêm lực hút Trái Đất, người phía trên dễ bị trượt chân, ngã xuống gây chấn thương hoặc nguy hiểm hơn là rơi xuống giếng thang gây nguy hiểm tính mạng.

Tuyệt đối không la hét hoảng loạn, không mở nóc cabin
Tuyệt đối không la hét hoảng loạn, không mở nóc cabin

Ảnh: Tổng hợp

Theo dõi Yeah1 trên Yeah1 - Google news

Cùng chuyên mục