Danh tính người phụ nữ nằm bên cạnh lăng mộ quý phi của vua Càn Long khiến giới khảo cổ nghi vấn. Nhiều giả thuyết về bí ẩn trong quá khứ được hé lộ.
Triều đại phong kiến Trung Quốc đã trôi qua từ lâu nhưng những bí ẩn của thời đại cũ vẫn khiến nhiều người ngày nay quan tâm, tìm hiểu. Đặc biệt là câu chuyện chấn động của Kế hoàng hậu vua Càn Long - vị hoàng hậu duy nhất của nhà Thanh không có tên hậu sau khi qua đời.
Năm 1980, giới khảo cổ Trung Quốc đã tìm hiểu về khu lăng mộ của vua Càn Long. Được biết, khu vực này thuộc Thanh Đông Lăng ở Tuân Hóa, thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc. Đây là nơi an nghỉ của 5 vị hoàng đế nhà Thanh là vua Thuận Trị, vua Khang Hy, vua Càn Long, vua Hàm Phong và vua Đồng Trị. Ngoài ra, Thanh Đông Lăng còn chôn cất 15 vị hoàng hậu, 136 phi tần, 3 hoàng tử và 2 công chúa của triều nhà Thanh.
Bên trong khu lăng mộ của phi tần vua Càn Long, người ta vô tình phát hiện một ngôi mô nhỏ điêu tàn nằm cạnh mộ của Thuần phi (Thuần Huệ Hoàng quý phi). Khác với những ngôi mộ hoành tráng, khang trang, ngôi mộ bí ẩn trên không chỉ xập xệ mà còn vô cùng bầy hầy, không được dọn dẹp, chăm chút như những ngôi mộ khác. Nhiều người đặt câu hỏi về danh tính của ngôi mộ chứa hài cốt người phụ nữ bí ẩn.
Mãi sau này, chuyên gia mới tìm ra danh tính của chủ nhân ngôi mộ chính là hoàng hậu thứ hai của vua Càn Long hay còn gọi là Kế hoàng hậu Ô Lạp Na Lạp thị. Những nghi vấn xoay quanh nguyên nhân Kế hoàng hậu bị "chôn ké" trong khu mộ của Thuần phi càng khiến hậu thế hoang mang. Vì sao một hoàng hậu mẫu nghi thiên hạ lại chịu nỗi nhục nhã to lớn đến khi chết cũng không thể được chôn theo thể chế dành cho người đứng đầu hậu cung?
Lật lại quá khứ, nhiều tài liệu ghi chép rằng, Ô Lạp Na Lạp thị vốn là Nhàn phi của hoàng đế Càn Long. Bà nổi tiếng nhờ tài quản lý hậu cung nên được mẹ của Càn Long yêu thích và chỉ định làm người kế nhiệm Phú Sát hoàng hậu sau khi vị này mất sớm. Theo nhiều nguồn tin cho biết, mặc dù là hoàng hậu nhưng vua Càn Long không có nhiều tình cảm với Ô Lạp Na Lạp thị.
Đỉnh điểm là trong một lần khi vua Càn Long đi vi hành phía nam. Không hiểu vì lý do gì mà Kế hoàng hậu đã tự tay cắt tóc của mình trước mặt vua. Theo quan niệm phong kiến, một người chỉ được cắt tóc của mình khi trong nhà có tang sự, nhằm thể hiện sự tưởng niệm của mình với người đã mất. Chính vì thế hành động của Kế hoàng hậu khiến vua Càn Long cực kỳ phẫn nộ, vua cho rằng Kế hoàng hậu đang nguyền rủa mình nên hạ lệnh giam lỏng bà.
Sau khi giam lỏng, vua Càn Long còn tịch thu 4 sắc phong của Kế hoàng hậu. Ngày 19/8/1766, Kế hoàng hậu qua đời trong cung điện của mình, lúc đó Càn Long đang đi săn ở khu săn bắn Hoa Mộc Lan. Nghe tin vợ mất, vua không đau buồn hay xúc động mà chỉ nhẹ nhàng nói một câu: "Trẫm biết rồi". Vua cho người con trai thứ 12 của mình quay về cung điện để lo liệu hậu sự của Kế hoàng hậu.
Tang lễ của Kế hoàng hậu không được tổ chức như chức vị của bà mà bị hạ cấp, chỉ được làm theo nghi thức dành cho hoàng quý phi. Toàn bộ lễ chế đều được đơn giản hóa và nhanh gọn. Quan tài của Kế hoàng hậu cũng được làm từ loại gỗ rẻ tiền, tầm thường. Bà không được chôn cất ở khu lăng mộ riêng như những hoàng hậu khác mà phải chịu "chôn ké" trong khu mộ của Thuần phi. Mọi hình ảnh, tài liệu liên quan đến Kế hoàng hậu đều bị Càn Long hủy bỏ, ngay cả tên hậu sau khi mất của bà cũng không có.
Trong tài liệu để lại, vua Càn Long nói về Kế hoàng hậu: "Hoàng hậu tính khí thay đổi, không thể giữ đạo hiếu thuận với Thái hậu. Khi đến Hàng Châu đã có hành động sai lệch, cử chỉ điên cuồng. Về tang lễ, tất nhiên không thể theo Hiếu Hiền hoàng hậu mà xử lý, nên lấy quy cách an táng Hoàng quý phi để làm".