Tên đường ở Việt Nam thường được đặt theo tên của các danh nhân hoặc những sự kiện lịch sử nổi tiếng. Tuy nhiên, ít ai biết rằng nó cũng có quy định cấm.
Những con đường ở Việt Nam thường được quy hoạch đặt tên để dễ kiểm soát và nhận dạng. Tên đường ở Việt Nam vô cùng đa dạng, từ tên của các danh nhân nổi tiếng, những người có công với đất nước, những sự kiện lịch sử, danh lam thắng cảnh... Tuy nhiên, ít ai biết rằng không phải danh từ nào cũng được dùng làm tên đường của đất nước.
Theo Điều 10 của Quy chế ban hành kèm theo Nghị định 91/2005/NĐ-CP, tên đường được bao gồm:
- Tên địa danh nổi tiếng, có ý nghĩa, có giá trị tiêu biểu về lịch sử - văn hóa của quốc gia hoặc địa phương; những địa danh quen dùng từ thời xa xưa, ăn sâu vào tiềm thức của nhân dân; tên địa phương kết nghĩa hoặc có quan hệ đặc biệt.
- Danh từ có ý nghĩa tiêu biểu về chính trị - văn hóa - xã hội
- Tên di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh tiêu biểu của đất nước hoặc ở địa phương, được xếp hạng trong quy định của Luật Di sản Văn hóa
- Tên phong trào cách mạng, sự kiện lịch sử, chiến thắng chống quân xâm lược tiêu biểu của quốc gia hoặc ở địa phương
- Tên danh nhân bao gồm cả trong nước và nước ngoài. Điều kiện là danh nhân đó phải nổi tiếng, có tài, có đức, đóng góp lớn vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ Quốc cũng như ở địa phương hoặc có đóng góp quan trọng cho đất nước trong văn hóa - nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, phát triển tình hữu nghị giữa các quốc gia, được suy tôn và thừa nhận
Đặc biệt, những cái tên không được đặt làm tên đường bao gồm những nhân vật vẫn còn gây tranh cãi hoặc xuất hiện các quan điểm đánh giá khác nhau; những nhân vật, sự kiện không rõ ràng về giá trị lịch sử. Những tên gọi đó phải được xem xét, hạn chế gọi tên đường phố và các công trình công cộng.
Đặt tên cho các đô thị đặc biệt cũng có những lưu ý không thể bỏ qua. Những nơi như Hà Nội, TP.HCM, TP. Đà Nẵng... đều phải chọn tên từ địa danh, danh nhân tiêu biểu, sự kiện lịch sử nổi tiếng của đất nước hoặc thế giới từ kinh tế, chính trị, văn hóa...
Riêng những đô thị khác thuộc đô thị loại 1, loại 2, loại 3... sẽ được đặt tên địa danh, sanh nhân tiêu biểu, sự kiện liên quan đến địa phương đó.
Về việc đổi tên đường phố phải do Hội đồng tư vấn đặt tên, có sự đồng ý, thông qua của Đảng bộ, Chi bộ Đảng, Mặt trận Tổ Quốc. Khi nhận được tờ trình, Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh sẽ quyết định có thông qua hay không. Việc đổi tên đường phố cần có sự thông qua, cho phép của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch.
Những nguyên tắc mà khi đổi tên đường phố tuyệt đối phải tuân thủ:
- Không đổi tên đường phố, công trình công cộng đã có tên gọi quen thuộc, gắn bó với giai đoạn lịch sử - văn hóa của dân tộc, địa phương hay ăn sâu vào tiềm thức, tình cảm của nhân dân qua nhiều thế hệ
- Nếu đường phố, công trình công cộng đã đặt tên xét thấy không có ý nghĩa lịch sử - văn hóa, không phù hợp thuần phong mỹ tục của Việt Nam, không phải nhân vật tiêu biểu của quốc gia, địa phương hoặc gây tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến xã hội thì có thể đổi tên nhưng cần xem xét cẩn trọng