Khi bắt đầu cuộc trò chuyện điện thoại, người Việt Nam thường nói từ "Alo". Tuy nhiên ít ai biết được nguồn gốc của từ này có từ bao giờ và nguyên nhân vì sao.
Ngay từ khi được sinh ra và biết sử dụng điện thoại với các chức năng nghe gọi, người Việt Nam đã có thói quen dùng từ "Alo" để mở đầu câu chuyện. Ban đầu, mọi người học từ người lớn tuổi hoặc những người khác xung quanh. Tuy nhiên, hiếm ai biết được bí mật ẩn giấu đằng sau từ "Alo" và nguồn gốc hơn 100 năm của nó.
Trên thực tế, để đi tìm nguồn gốc của từ "Alo", chúng ta cần phải quay về thời kỳ điện thoại được phát minh bởi nhà bác học Alexander Graham Bell. "Cha đẻ" của chiếc điện thoại đầu tiên trên thế giới đã mở đầu cuộc trò chuyện của mình bằng từ "Ahoy". Sau này, mọi người cảm thấy thú vị và học theo nhà bác học nói từ "Ahoy" trước khi bắt đầu mỗi câu chuyện.
Theo tìm hiểu, từ "Ahoy" bắt nguồn từ những thủy thủ trên tàu viễn dương băng qua các đài dương mênh mông để đi tìm lục địa mới. Họ dùng từ "Ahoy" như một cách gây sự chú ý với các đoàn thủy thủ khác, cũng như cảnh báo nguy hiểm. Ý nghĩa của từ "Ahoy" là "Nghe này!".
Một số tài liệu nghiên cứu của nước ngoài cho biết, từ "Ahoy" bắt nguồn từ tiếng Anh trung đại (ngôn ngữ xuất hiện sau cuộc chinh phạt ở Anh từ năm 1066 đến cuối thế kỷ 15). Từ "Ahoy" là phiên bản mở rộng của từ "Hoy", mang nghĩa là "Xin chào", khá tương đồng với từ "Hello" nhưng từ "Ahoy" xuất hiện sớm hơn từ "Hello" và "Hey" khoảng 100 năm về trước.
Năm 1922, sau khi nhà bác học Alexander Graham Bell qua đời, từ "Ahoy" dần được mọi người thay thế bằng từ khác để thuận tiện trong giao tiếp. Phần lớn mọi người dùng từ "Hello" để làm ngôn ngữ chào hỏi khi nói chuyện qua điện thoại. Tuy nhiên, mỗi quốc gia lại có cách phát âm từ "Hello" khác nhau. Tương tự như tiếng Anh phát âm là "Hello", tiếng Pháp là "Allo", tiếng Đức là "Hallo", tiếng Nga là "алло", tiếng Tây Ban Nha là "Aló", tiếng Trung là "喂" (wei, uy)...
Trong các quyển sách hướng dẫn trao đổi điện thoại cũng sử dụng từ "Hello" như một cách chào hỏi để mở đầu câu chuyện. Riêng với Việt Nam, sau khoảng thời gian dài thực dân Pháp xâm lược nước ta, điện thoại bắt đầu được du nhập vào trong đời sống sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy từ "Alo" của người Việt Nam thường nói có nguồn gốc tiệm cận với từ "Allo" trong tiếng Pháp khi nói chuyện điện thoại. Sau này, từ "Alo" cũng được người dân Việt Nam sử dụng rộng rãi và kéo dài đến ngày hôm nay.
Ảnh: Tổng hợp