Khi đã đóng BHXH đủ thời gian hưởng lương hưu mà không may qua đời, hoặc người đang hưởng lương hưu mà không may qua đời thì bảo hiểm sẽ chi trả như thế nào?".
Bảo hiểm xã hội (BHXH) là chính sách giúp người lao động luôn có một khoản tài chính đảm bảo cho cuộc sống sau này khi về già. Hiện nay, vấn đề về bảo hiểm xã hội (BHXH) luôn là chủ đề nóng, thu hút nhiều người tham gia, tranh luận. Liên quan vấn đề này, có không ít người thắc mắc Đang hưởng lương hưu, nhưng không may người lao động qua đời thì tiền đóng BHXH còn lại về đâu? Số tiền BHXH còn lại của họ sẽ mất luôn, hay thân nhân của họ sẽ được hưởng?.

Giải đáp thắc mắc của người dân, đại diện BHXH TP.HCM cho biết, nếu người lao động đang hưởng lương hưu qua đời thì cơ quan BHXH sẽ chi trả 2 khoản tiền, gồm trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất.
Trợ cấp mai táng
Theo quy định tại điều 66 luật BHXH năm 2014, người lao động đang hưởng lương hưu mà qua đời, thì thân nhân được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 tháng lương cơ sở. Theo đó, thân nhân của người lao động được nhận trợ cấp mai táng bằng 10 mức lương cơ sở với các trường hợp: người lao động chết (hoặc được tòa án tuyên bố đã chết) khi đang đóng BHXH; đang bảo lưu thời gian đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên; người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc chết trong thời gian điều trị; người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng đã nghỉ việc.

Hiện nay, mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng, do đó mức trợ cấp mai táng mà người thân của người lao động nhận được = 10 x 1,8 triệu đồng = 18 triệu đồng.
Trợ cấp tuất
Đối với trợ cấp tuất, có hai hình thức là trợ cấp tuất một lần và trợ cấp tuất hằng tháng.
1. Trợ cấp tuất một lần
Đối với thân nhân của người lao động đang đóng BHXH hoặc đang bảo lưu quá trình đóng BHXH không may qua đời, mức trợ cấp tuất một lần được tính theo số năm mà người lao động đã đóng BHXH.
Cứ mỗi năm tính bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng BHXH trước năm 2014; bằng 2 tháng bình quân tiền lương đóng BHXH cho các năm đóng BHXH từ năm 2014 trở đi.
Đối với thân nhân người đang hưởng lương hưu chết thì mức trợ cấp tuất một lần được tính theo thời gian đã hưởng lương hưu. Nếu chết trong 2 tháng đầu hưởng lương hưu thì tính bằng 48 tháng lương hưu đang hưởng. Nếu chết vào những tháng sau đó, cứ hưởng thêm 1 tháng lương hưu thì mức trợ cấp giảm đi 0,5 tháng lương hưu. Mức thấp nhất bằng 3 tháng lương hưu đang hưởng.

Ví dụ: Có trường hợp một người lao động đang hưởng lương hưu được 2 năm (24 tháng) mà qua đời thì thân nhân của người lao động sẽ hưởng mức trợ cấp tuất 1 lần = 48 - (24 - 2) x 0,5 tháng = 38 tháng lương hưu.
Nếu mức hưởng lương hưu của người lao động là 5 triệu đồng/tháng thì mức trợ cấp tuất 1 lần cho thân nhân = 38 x 5 triệu đồng = 190 triệu đồng.
2. Trợ cấp tuất hằng tháng
Theo quy định, chỉ người đang đóng BHXH bắt buộc, đang bảo lưu quá trình đóng BHXH bắt buộc hoặc đang hưởng lương hưu mà trước đó có đóng BHXH bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên mới có quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hằng tháng.
Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân bằng 50% mức lương cơ sở. Nếu thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng bằng 70% mức lương cơ sở. Số thân nhân được trợ cấp không quá 4 người. Nếu có từ 2 người lao động chết trở lên thì thân nhân của những người này được hưởng 2 lần mức trợ cấp quy định.
Thời điểm hưởng trợ cấp tuất hằng tháng được thực hiện kể từ tháng liền kề sau tháng người lao động, người hưởng lương hưu, người bị tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp chết.
