Từ lâu, Nhật Bản đã tồn tại một ngành nghề gọi là nghề dọn dẹp những cái chết cô độc. Với mức lương 120 triệu/tháng nhưng không ai dám thử sức với việc này!
Theo thống kê, Nhật Bản là quốc gia có tỉ lệ già hóa dân số đáng báo động. Năm 1990, Nhật Bản có khoảng 4 triệu người cao tuổi sống một mình mà không có con cái hay người thân thiết bên cạnh. Năm 2010, con số trên tăng lên 7 triệu người và dự kiến vào năm 2035, số người cao tuổi cô độc của Nhật Bản sẽ vượt ngưỡng 8,5 triệu.
Việc già hóa dân số khiến Nhật Bản đối diện với nhiều nguy cơ như thiếu nguồn lao động trẻ kinh nghiệm, chi phí cho các chính sách an sinh xã hội tăng cao. Một trong những vấn đề gây lo ngại không kém chính là việc chăm sóc cho những người cao tuổi cô độc sống một mình.
Được biết, ở Nhật Bản không thiếu những trường hợp người già tự thuê trọ tự sống một cuộc đời mà không có con cái hay người thân bên cạnh. Họ duy trì cuộc sống lủi thủi cho đến ngày không còn đủ sức và đột ngột qua đời. Nhưng vì sống một mình nên chẳng ai hay biết rằng họ đã qua đời. Xác của họ cứ như thế đến một lúc nào đó sẽ bốc mùi hôi thối, ảnh hưởng đến những gia đình bên cạnh thì mới có người đến xử lý.
Sau khi người dân báo cáo về trường hợp người cao tuổi cô độc qua đời, cơ quan chức năng sẽ liên hệ với đội ngũ gọi là nhân viên dọn dẹp xác chết đến để giải quyết "hiện trường". Những người này được gọi là "Tokushu sen -ou in" hay còn được biết đến cái danh từ hoa mỹ hơn là người dọn dẹp những cái chết cô độc.
Nhiệm vụ của những người công nhân vệ sinh này sẽ làm sạch sẽ hiện trường - nơi có xác chết và trả lại hình dáng như trước khi có xác chết xuất hiện. Đặc thù của công việc phải tiếp xúc với mùi hôi thối và khối lượng lớn vi khuẩn gây bệnh đằng sau những xác chết đã phân hủy nên họ phải chuẩn bị cả quần áo bảo hộ, mũ hoặc mặt nạ chống khí độc.
Đặc biệt, vì công việc dễ gây ảnh hưởng đến xung quanh nên trong lúc dọn dẹp xác chết, các công nhân vệ sinh này không được phép mở cửa sổ hay điều hòa. Vào những ngày hè nóng nực, họ phải chịu đựng sự tra tấn kinh khủng của môi trường làm việc không khác gì địa ngục trần gian.
Nếu gặp những xác chết trong bồn tắm, công việc của họ càng thêm khó khăn hơn bao giờ hết. Sau thời gian dài qua đời, tóc của những xác chết sẽ dính chặt vào thành bồn tắm, những bộ phận trên cơ thể phân hủy và trương lên đen ngòm. Có khi họ còn trông thấy dòng chữ "cứu tôi với" được nạn nhân vết lên tường hay cửa sổ trước khi tắt thở.
Nhiều công nhân dọn dẹp không chịu nổi áp lực đã òa khóc, thậm chí nôn mửa và bỏ việc lập tức. Những vết bẩn cứng đầu bám chặt vào nền nhà, mặt thảm khiến các công nhân dọn dẹp phải thay cả miếng lót sàn. Công việc vừa chịu áp lực về tâm lý vừa hao tổn nhiều sức lực.
Trong lúc dọn dẹp, nếu phát hiện những vật dụng quý giá của người đã khuất, các công nhân dọn dẹp sẽ gói lại cẩn thận để trao trả cho người thân của họ (nếu có). Sau khi hoàn thành xong công việc, công nhân dọn dẹp sẽ thắp hương và đặt một bó hoa lên sàn xem như cách để tưởng niệm người đã mất.
Ngày nay, nhiều công ty bảo hiểm ở Nhật Bản đã nắm bắt được xu thế này và cho ra đời những gói bảo hiểm bao gồm chi phí dọn dẹp căn hộ và bù đắp khoản tiền cho thuê bị thiệt hại. Chính vì vậy công nhân dọn dẹp xác chết của những người cao tuổi cô độc càng được trả thu nhập hấp dẫn.
Năm 2008, người làm công việc này có mức lương từ 500.000 đến 600.000 yên (khoảng 100 đến 120 triệu/tháng). Ban đầu, nhiều người thấy thu nhập hấp dẫn đã tham gia làm công việc này. Thế nhưng ở hiện tại, mức lương chỉ giảm còn một nửa nên nhiều người đã từ bỏ công việc ám ảnh về tâm lý và mệt mỏi về sức lực.