Chiến sĩ tình báo Huỳnh Văn Thắng từng phải sống trong hình hài của một cô gái trong suốt 5 năm để làm nhiệm vụ. Cùng với đó là những câu chuyện oái oăm.
Chiến tranh đã qua đi nhưng những câu chuyện, những tấm gương trong đó vẫn là bài học cho bao lớp thế hệ trẻ. Một chiến sĩ tình báo từng gây chú ý với ký ức giả gái 5 năm hoạt động trong cơ quan của địch để làm nhiệm vụ tình báo cho quân ta. Đó chính là trường hợp của ông Huỳnh Văn Thắng hay còn được gọi là ông Năm Thắng.
Được biết, ông Năm Thắng vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở xã Định Thủy, huyện Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre - nơi mà phong trào Đồng Khởi đã nở rộ vào những năm 1960. Trong gia đình, cha và bốn anh trai của ông đều là cống hiến cho cuộc cách mạng. Vì là con út, ông Năm Thắng ở lại nhà để chăm sóc cho mẹ, trong khi các anh trai tham gia vào cuộc cách mạng.
Sau khi tận mắt chứng kiến cảnh anh trai và hàng xóm bị giặt giết chết, ông Năm Thắng căm phẫn nên quyết tâm gia nhập cách mạng. Năm 1968, tình hình đấu tranh ở Bến Tre cực kỳ căng thẳng và nguy hiểm. Kẻ thù thành lập tổ chức tình báo có tên Thiên Nga và tung ra các đội mật vụ, thám báo vào các tổ chức kháng chiến. Rất nhiều người cách mạng bị lộ, cán bộ bị bắt tù đày và thậm chí bị giết hại.
Một lần, Trưởng ty Công an Bến Tre đề nghị ông Năm Thắng: “Tao thấy mày trắng trẻo, xinh xắn như… con gái. Hay là mày giả gái vô làm trong đội Thiên Nga đi”. Ông Năm Thắng đồng ý dấn thân, khi đó ông mới 17 tuổi. Sau đó, ông Năm Thắng phải học cách làm con gái như đi giày cao gót, mặc áo ngực, để tóc dài... Ông còn nhờ bác sĩ tiêm hormone để trở nên nữ tính hơn dù thuốc có thể khiến ông khó quay trở lại làm con trai nhưng ông vẫn chấp nhận.
Ông Năm Thắng gia nhập cơ quan tình báo Thiên Nga của địch với tên Huỳnh Thị Thanh hay còn gọi là chị Năm Thanh. Sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, trẻ trung lại có cử chỉ, ăn nói khéo léo nên chị Năm Thanh rất được lòng mọi người xung quanh.
Ông Năm Thắng sau này kể lại, ông và tổ chức cách mạng đã phải nhiều lần tạo ra những thông tin giả để lấy lòng tin của quân địch. Nhờ vậy, chị Năm Thanh được đội Thiên Nga giao cho công việc bán hàng rong, đi lại trong các địa bàn Định Thủy để nghe ngóng thông tin Việt cộng báo cáo cho chúng.
Năm 1973, chị Năm Thanh thân thiết với Sáu Dung nên được kể nghe về Phạm Văn Hương và Nguyễn Văn Tư làm nghề bán men rượu, mua mía đường dạo. Chính 2 người này đã tính báo cho tổ chức Thiên Nga về hoạt động của cách mạng.
Mặc dù công việc thành công trót lọt nhưng chị Năm Thanh lại rơi vào nhiều tình huống oái oăm. Trong hình hài của một cô gái, chị Năm Thanh không ít lần bị người ta gạ gẫm, rủ đi chơi nhưng nhờ sự khéo léo, tinh tế, Năm Thanh từ chối hết lần này đến lần khác. Không những thế, Năm Thanh còn rất thông minh khi làm thân với vợ của những kẻ có ý với mình để thoát thân.
Tuy nhiên, vẻ đẹp của Năm Thanh khiến tên Lộc - con trai đại tá Khiêm - tỉnh trưởng Kiến Hòa (Bến Tre) xiêu lòng và nằng nặc đòi cưới về làm vợ. Lần này, Năm Thanh không thể từ chối vì những người xung quanh đều cho rằng trở thành con dâu của tỉnh trưởng ai chả mong ước. Sợ bị lộ thân phận, chị Năm Thanh phải báo cáo với tổ chức để tạo điều kiện rút lui an toàn.
Sau khi giải phóng đất nước, ông Năm Thắng (Năm Thanh) tìm gặp bác sĩ để tiêm thuốc quay lại cuộc sống của một người đàn ông. Ông Năm Thắng cũng cưới vợ và sinh được 5 người con. Khoảng thời gian sau, ông sang Campuchia bán bánh bò, bánh tiêu, tích góp được khoản tiền rồi quay về Kiên Giang lập nghiệp.
Năm 1995, ông mắc bệnh gan nhưng may mắn đã chữa khỏi kịp thời. Ông Năm Thắng mang theo con nhỏ bỏ lên rừng Mã Đà, Đồng Nai để sinh sống. Từ một mảnh đất thuê, ông mua được 14 mẫu đất và phát triển trang trại vàng, trở thành tỷ phú rừng Mã Đà. Ông cảm thấy vô cùng hài lòng, hạnh phúc với cuộc sống hiện tại của mình.