Tại Việt Nam, có những cái tên phổ biến được đặt đi đặt lại nhiều lần, tuy nhiên, một cái tên đặc biệt chỉ xuất hiện ở miền Trung và miền Nam.
Việc đặt tên cho con luôn được bố mẹ quan tâm hàng đầu. Những cái tên được chọn ra đều mang ngụ ý tốt đẹp, cầu mong tương lai của đứa trẻ trở nên tươi sáng. Một số tên phổ biến thường được người Việt Nam ưa chuộng như Anh, Phương, Lan, Hoa, Dũng, Minh... Tuy nhiên, ở một số vùng địa phương, có những cái tên được đặt một cách riêng biệt, mang đậm dấu ấn văn hóa vùng miền.
Ở khu vực miền Nam, đặc biệt là những tỉnh thành miền Tây Nam Bộ, và một số tỉnh thành ở miền Trung được cho là có nhiều điểm tương đồng trong văn hóa sinh hoạt. Chính vì vậy những quan niệm, suy nghĩ, cách gọi của người dân 2 miền này cũng có những nét trùng nhau. Ví như cách đặt tên con cái hoặc chọn tên gọi ở nhà cho trẻ. Có một cái tên phổ biến ở miền Nam và miền Trung nhưng miền Bắc lại hiếm thấy, đó là tên Út.
Nhiều người cảm thấy lạ vì Út thực tế là một cách gọi người con nhỏ nhất trong gia đình, dùng để phân biệt với những anh chị lớn hơn trong nhà. Ở miền Nam và miền Trung, Út thường được xem là tên phổ biến gọi ở nhà hoặc có người còn làm khai sinh cho con với tên gọi này. Thông thường, họ gán thêm vào tên Út chữ đệm là Thị, tạo thành công thức thường thấy là Họ + Thị Út. Một số gia đình khác thì thích dùng chữ Út như một tên đệm, sau đó đặt thêm tên chính thức phía sau như Út Lan, Út Mai, Út Diễm, Út Tâm...
Ngoài tên Út, người miền Nam và miền Trung còn chuộng đặt tên con là Hai - ý chỉ người con lớn nhất, là con cả trong một nhà. Tương tự như tên Út, tên Hai cũng được đặt thêm chữ Thị phía trước hoặc có một tên chính thức phía sau như Hai Phượng, Hai Ngọc, Hai Loan...
Thế nhưng đối với tên Hai, người ta chỉ bắt gặp dùng nhiều ở miền Nam và miền Trung, còn ở miền Bắc thì cực hiếm. Nguyên nhân là do người Bắc không quen gọi con lớn là Hai mà thường gọi là con cả. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, sở dĩ có sự khác nhau trong cách gọi "hai" và "cả" ở các địa phương là do xuất phát từ thời nhà Nguyễn.
Vua Gia Long tiếc thương cho người vợ Tống Thị Lan và con cả Nguyễn Phúc Cảnh nên dành vị trí "cả" để tưởng nhớ con trai. Từ đó trong dân gian không ai dám dùng từ "cả" để gọi con lớn của mình vì sợ kỵ húy. Tuy nhiên, cũng có người lý giải là người Nam kỵ gọi con lớn là con cả vì trùng với cách gọi Hương Cả - một chức vụ lớn, đứng đầu của một làng, xã, thôn thời Pháp thuộc.
Ảnh: Tổng hợp