Trải qua hàng ngàn năm, thế nhưng có 3 bí ẩn trong lịch sử Việt Nam vẫn chưa có lời giải đáp chính xác rõ ràng khiến nhiều hậu thế sau này vẫn thắc mắc.
Lịch sử từ trước tới nay luôn ẩn chứa nhiều điều thú vị. Trải qua hàng ngàn năm, nhiều sự kiện với những bí ẩn đằng sau dường như vẫn chưa có lời lý giải. Lịch sử Việt Nam nhiều người có thể được học về những sự kiện quan trọng trong sách giáo khoa, tuy nhiên, có 3 bí ẩn đến nay vẫn chưa có câu trả lời rõ ràng và nhiều tình tiết thú vị hoặc rùng rợn sau đó chưa khám phá.
1. Tuổi của Vua Hùng bao nhiêu?
Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, Kinh Dương Vương lên nắm ngôi vào năm Nhâm Tuất (2879 TCN). Từ đó triều đại các vua Hùng cũng bắt đầu, ông cũng được xem là vua đầu tiên của nước ta. Các sử sách đều lấy đây là dấu mốc khởi đầu của triều đại các vua Hùng và 18 đời vua Hùng sau đó đã nối tiếp nhau, đến năm Quý Mão (258 TCN) thì kết thúc.
Nếu như đúng như sử sách ghi lại, từ năm (2879 – 258 TCN) có 18 đời vua Hùng nối nhau trị vì trong 2.622 năm. Nếu tính ra, mỗi đời vua sẽ "ngự trị" khoảng 150 năm. Nhiều người thắc mắc vào thời xưa khi mà y tế chưa phát triển, tất cả đều dựa vào tự nhiên, tuổi thọ của con người khá thấp, vì vậy, làm sao để 18 đời vua Hùng có thể trị hết từng ấy thời gian và mỗi người sống gần 150 năm?.
Ngay đến nhà sử học Ngô Thì Sĩ từng viết: "Người ta không phải là vàng đá, sao lại sống lâu được như thế? Điều ấy càng không thể hiểu được" (Việt sử tiêu án). Mặc khác, nếu xét theo thời gian trị vì kéo dài hơn 2000 năm mà chỉ có 18 đời vua thì đây là những con số rất khó thuyết phục.
2. Vụ thảm án Lệ Chi Viên hung thủ thực sự là ai?
Vụ án Lệ Chi Viên có thể nói là thảm án gây chấn động trong lịch sử Việt Nam phong kiến. Dù đã xảy ra cách đây hàng trăm năm nhưng đến nay vẫn là đề tài gây tranh cãi. Sự ra đi bí ẩn của vua Lê Thái Tông và việc 3 đời nhà Nguyễn Trãi bị xử tử nhưng cuối cùng hung thủ vẫn là ẩn số.
Theo sử sách ghi chép lại, ngày 4/8/1442, vua Lê Thái Tông có chuyến đi vi hành đến nơi ở của Nguyễn Trãi tại Lệ Chi. Tại đây, Lê Thái Tông thấy Nguyễn Thị Lộ (vợ lẽ của Nguyễn Trãi), có tài văn hay chữ tốt, lại hiền thục dịu dàng dù đã bước sang tuổi tứ tuần, nên phong bà làm Lễ nghi học sĩ với trách nhiệm chuyên dạy dỗ các cung nữ trong cung.
Sau đó, vua và đoàn tùy tùng nghỉ qua đêm tại đây, vua Lê Thái Tông được cho là phát chứng sốt rét trong đêm, Nguyễn Thị Lộ vào hầu suốt đêm, sáng hôm sau nhà vua băng hà. Sau đó, bà Nguyễn Thị Lộ bị quy tội giết vua, cả nhà Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Nỗi oan tày trời ấy mãi đến năm 1464, khi Lê Thánh Tông lên làm vua và "lật lại mọi chuyện" thì Nguyễn Trãi mới được rửa oan, ông cho sưu tầm thơ văn và tìm lại hậu thế sống sót của dòng dõi đại thần là Nguyễn Anh Vũ rồi cho làm quan.
Còn về phần bà Nguyễn Thị Lộ, Lê Thánh Tông lại không nói gì. Nếu như gia đình Nguyễn Trãi bị oan, vậy ai mới là thủ phạm thật sự. Câu trả lời cho câu hỏi này đến tận ngày nay vẫn là vấn đề còn bỏ ngỏ trong giới sử học Việt Nam, và cũng đã từng gây ra không ít tranh cãi.
3. Tác giả của bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà"?
"Nam Quốc Sơn Hà" là bài thơ nổi tiếng nhất trong lịch sử Việt Nam, và được coi là bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên khẳng định chủ quyền của người Việt trên lãnh thổ của mình. Tuy nhiên, với ít nhất là 35 dị bản sách và 8 dị bản thần tích, nguồn gốc của "Nam Quốc Sơn Hà" là một dấu hỏi…Với nhiều dị bản, nhưng xưa nay bài thơ "Nam Quốc Sơn Hà" (Sông núi nước Nam) vẫn được cho là Lý Thường Kiệt sáng tác.
Theo đó, trong cuộc chiến chống lại quân Tống lần thứ hai (1075-1077), tại Đền Xà (thôn Đoài, Tam Giang, Yên Phong), Lý Thường Kiệt đã sai người tâm phúc đọc vang bài thơ này để khích lệ tinh thần quân sĩ Đại Việt. Nguồn gốc bí ẩn của Nam Quốc Sơn Hà càng khiến bản Tuyên ngôn độc lập đầu tiên của Việt Nam trở nên bí ẩn.
Ảnh: Tổng hợp