Con đường Hạnh Phúc ở Hà Giang mất 6 năm để hoàn thành, phải đánh đổi xương máu của hàng trăm, hàng nghìn thanh niên xung phong. Đến nay, con đường trở thành “huyết mạch” giao thông chính của tỉnh.
Đường Hạnh Phúc nối thành phố Hà Giang với 4 huyện vùng cao ở phía Bắc gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc - nơi có đến hơn 8 vạn người dân thuộc 16 dân tộc sống biệt lập với bên ngoài. Đường dài 185km.
Để hoàn thành con đường Hạnh Phúc, hơn 1.300 nam , nữ thanh niên xung phong ở 6 tỉnh Việt Bắc gồm: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Tuyên Quang, Hà Giang cùng với 2 tỉnh đồng bằng Nam Định và Hải Dương thi công suốt 6 năm ròng rã. Bên cạnh các nam, nữ thanh niên xung phong, hơn 1.000 dân công ở 16 dân tộc nơi đây cũng đồng hành để cùng nhau phá núi mở đường. Họ sử dụng những công cụ lao động vô cùng thô sơ, chỉ có cuốc , xẻng, xà beng, búa tạ, xe cút kít… Điều kiện làm việc cũng vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ thứ từ lương thực, thực phẩm cho đến thiếu nước, thiếu muối…Cộng thêm điều kiện thời tiết ở vùng cao vô cùng khắc nghiệt, mùa đông thì nước đóng băng, mùa hạ thì nóng như lửa đốt. Dù là vậy nhưng hàng nghìn người vẫn miệt mài đục đá làm đường, quyết không bao giờ bỏ cuộc.
Cuối cùng, đến năm 1965, con đường đã chính thức được hoàn thành. Thế nhưng, ở nơi đó đã có 14 đồng chí thanh niên xung phong mãi mãi nằm lại để đổi lại con đường giao thông thuận lợi, cuộc sống đổi mới cho người dân.
Sau khi con đường được hoàn thành, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt tên cho con đường này là Con đường Hạnh Phúc.
Đến nay, sau hơn 60 năm hình thành, nhờ con đường này mà cuộc sống của những người dân ở vùng cao nguyên đá Hà Giang đã có nhiều thay đổi. Người dân có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế, xã hội và đặc biệt là du lịch. Đặc biệt, đây cũng trở thành con đường huyết mạch đưa du khách thập phương đi từ thành phố Hà Giang lên Công viên Địa chất Toàn cầu. Đến đây, khách du lịch có thể ghé thăm Cao nguyên đá Đồng Văn. Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc với những địa chỉ Cột cờ Lũng Cú, Dinh “Vua Mèo”, Phố cổ Đồng Văn, Đèo Mã Pí Lèng, Chợ tình Khau Vai….