Lý giải hiện tượng quái dị "mơ trong mơ" mà hầu như ai cũng từng trải qua ít nhất một lần trong đời, đến cả khoa học cũng chưa thể khẳng định được nguyên nhân.
Mỗi người là một cá thể duy nhất, và giấc mơ của chúng ta cũng không ngoại lệ. Mỗi người sẽ có những trải nghiệm khác nhau trong giấc mơ, nhưng đôi khi những trải nghiệm đó lại rất chân thực, chẳng hạn như cảm giác ngã từ trên cao xuống hoặc bị bóng đè, nói mớ, mộng du, ngáy... là những hiện tượng phổ biến trong giấc ngủ mà bạn đã từng được trải nghiệm hoặc nghe thấy. Thế nhưng, có một giác mơ quái dị khác khiến các nhà khoa học phải bó tay.
Theo đó, bạn có một giấc mơ rất quái đản, sau đó bạn giật mình thức giấc, đứng dậy đánh răng, rửa mặt, đi làm, và rồi... thức giấc thêm một lần nữa mới biết chỉ là mơ. Đây được xem là hiện tượng "mơ trong mơ". Hay nói cách khác, bạn đã mơ thấy mình thức dậy. Khi ấy, bạn đã được trải nghiệm mơ trong mơ - hay còn gọi là hiện tượng "thức giả" - false awakening.
Đây là một trong những giấc mơ kỳ lạ và khó hiểu nhất theo góc nhìn khoa học. Bạn tỉnh dậy lần đầu tiên trong giấc mơ, nhưng giấc mơ lại vô cùng thực tế, đến nỗi đau bạn không hề nhận ra mình đang mơ. Điều đáng sợ ở đây là dù trông rất thật, nhưng giấc mơ vẫn chỉ là giấc mơ và nó có thể thay đổi suy nghĩ của con người. Hơn nữa, tiềm thức của chúng ta thường có xu hướng suy nghĩ tiêu cực một cách thụ động. Nếu những giấc mơ như vậy liên tục diễn ra hàng đêm thì sao?
Theo Tri Thức Trẻ dẫn nguồn Sleepless night, dựa trên khảo sát vào năm 2016 trên 557 người, thì đến 324 cho rằng họ cảm thấy stress kinh khủng vì những giấc mơ như vậy. Ngoài ra, khoa học cũng từng ghi nhận một số trường hợp "mơ trong mơ" lặp lại liên tục chỉ trong một đêm. Tức là bạn thức dậy, rồi lại thức dậy, rồi thức dậy một lần nữa mới trở về thế giới thực.
Cũng nói thêm, nhiều người nhầm tưởng rằng "mơ trong mơ" là "bóng đè", thế nhưng đây là 2 hiện tượng hoàn toàn khác nhau. Với "bóng đè" bạn có thể cảm nhận được rất rõ mọi thứ xung quanh nhưng cơ thể không cách nào cử động như có gì đè nặng lên ngực. Còn với "mơ trong mơ" tức bạn vẫn có thể không cử động được nhưng điều đó hoàn toàn diễn ra trong giấc mơ.
Nếu bạn muốn tìm kiếm một câu trả lời chính xác thì xin chia buồn, khoa học hiện vẫn chưa thể khẳng định được nguyên nhân. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra hai giả thuyết như sau:
Thứ nhất, vì căng thẳng và lo lắng. Nếu như bạn cảm thấy lo sợ vì những gì sắp sửa xảy ra vào ngày hôm sau, bạn sẽ mơ thấy chính điều đó. Não bộ khi ấy sẽ mơ về việc thức dậy, sau đó tái tạo lại chính xác những gì khủng khiếp nhất có thể xảy ra.
Một giả thuyết khác là do quá trình phân mảnh giấc ngủ của não bộ. Tức là, giấc ngủ của chúng ta được chia thành nhiều giai đoạn, trong đó có thể khu vực "mơ" và khu vực chịu trách nhiệm cho nhận thức bỗng cùng lúc hoạt động. Nhờ vậy, những giấc mơ của bạn sẽ rất thực (còn gọi là vivid dream), và bạn thậm chí còn điều khiển được giấc mơ của mình mà không biết.