Ngủ trưa không chỉ giúp tinh thần của con người được lấy lại năng lượng mà còn là một trong những cách cải thiện trí não nhiều người áp dụng mỗi ngày.
Ngoài giấc ngủ buổi tối, nhiều người có thói quen ngủ trưa. Đặc biệt, người Việt Nam dù bận rộn thế nào cũng thường dành khoảng thời gian nghỉ trưa để nhắm mắt nghỉ ngơi. Họ cảm thấy sau giấc ngủ trưa, bộ não khôi phục các chức năng làm việc hiệu quả mà không mệt mỏi hay chán chường.
Trên tờ The Conversation, Phó giáo sư Steven Bender đến từ Đại học Texas A&M công bố nghiên cứu của mình và các cộng sự về hiệu quả của giấc ngủ trưa đối với hoạt động sống của con người. Liệu rằng người ngủ trưa nhiều có thành công hay thất bại so với người đối lập?

Thông qua kết quả nghiên cứu và khảo sát, các chuyên gia cho rằng một giấc ngủ trưa ngắn hạn thật sự có tác dụng giúp tăng cường chức năng của thần kinh, trí nhớ, tăng tốc độ làm việc của các nơ-ron thần kinh trong não và phản ứng hiệu quả hơn khi giải quyết các tình huống bất ngờ.
Sau buổi sáng làm việc tại văn phòng, việc dành khoảng 15-20 phút cho giấc ngủ trưa giúp tăng năng suất cho công việc vào buổi chiều, thúc đẩy tư duy sáng tạo. Phó giáo sư nói: "Có vẻ như não bộ đã sử dụng thời gian ngủ trưa để xử lý thông tin thu thập trong một ngày, từ đó chúng ta nâng cao khả năng giải quyết vấn đề".

Giấc ngủ trưa giúp cải thiện tâm trạng là điều đã được chứng minh. Nếu được nghỉ ngơi trong khoảng thời gian thích hợp sẽ giúp cảm xúc được cân bằng, hạn chế cảm giác tiêu cực, bực bội hay bốc đồng. Ngoài ra, giấc ngủ trưa giúp cải thiện khả năng học hỏi, tiếp thu các kiến thức mới từ các lĩnh vực khác nhau.
Những căn bệnh như tim mạch, huyết áp... thường có nguy cơ gây tử vong sớm ở người cũng được giảm bớt một cách rõ rệt nếu chúng ta biết nghỉ ngơi hợp lý.

Tuy nhiên, các chuyên gia nhấn mạnh, một giấc ngủ trưa có lợi là giấc ngủ trưa chỉ kéo dài trong khoảng thời gian ngắn, dưới 30 phút và tốt nhất là dao động từ 20-30 phút. Ngược lại, nếu ngủ trưa quá lâu, giấc ngủ kéo dài có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, nhất là ở lứa tuổi 60 trở lên.
Đồng thời, ngủ trưa quá lâu sẽ làm giảm chất lượng của giấc ngủ ban đêm. Nếu thiếu ngủ ban đêm thì hâu quả về sức khỏe càng thêm khó lường, ảnh hưởng đến tỉ lệ đột quỵ và mắc các bệnh về ung thư. Nếu mọi người kéo dài thói quen này trong khoảng thời gian đủ lâu thì sẽ khiến cơ thể bị "quán tính giấc ngủ", cảm thấy "mất phương hướng" và phá hủy sự hiệu quả trong công việc sau giấc ngủ.